Giai đoạn 2016-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM hoàn thành cắm mốc chỉ giới bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch cho 20 tuyến với tổng chiều dài hơn 200 km, sau đó phân về các địa phương quản lý.
Bảo vệ sự ổn định
Đến tháng 2-2023, Sở TN-MT TP HCM ban hành kế hoạch số 700/2023 về triển khai thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông, suối, kênh, rạch.
Kế hoạch này triển khai trong 2 năm 2023 và 2024, kinh phí thực hiện do ngân sách bảo đảm theo giá trị được phê duyệt khi xây dựng phương án kỹ thuật và dự toán kinh phí cắm mốc. Cơ quan chức năng sẽ thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, hồ công cộng 59 tuyến với tổng chiều dài tuyến hơn 550 km, tổng chiều dài mép bờ cao trên 920 km. Trong đó, 72 km tuyến sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh.
Sở TN-MT nhấn mạnh mục đích là bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh rạch và phòng chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất.
Đây cũng là căn cứ kiểm tra, xử lý những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, việc cắm mốc tạo quỹ đất để xây hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh, rạch. Cắm mốc cũng nhằm bảo đảm thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, cao độ, lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tức 15 tháng khi Sở TN-MT ban hành kế hoạch 700/2023, các kết quả chưa có.
Rắc rối về tên nguồn vốn
Lý giải điều này, đại diện Phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám (Sở TN-MT TP HCM) thông tin kế hoạch 700/2023 được ban hành theo hướng sử dụng vốn đơn vị sự nghiệp như chỉ đạo của UBND TP HCM. Tháng 3-2023, Sở TN-MT làm phương án dự toán và quyết tâm thực hiện cắm mốc trong năm 2023.
Tuy vậy, khi triển khai thì Sở Kế hoạch và Đầu tư lại ý kiến dự án vốn lớn (khoảng 100 tỉ đồng) thì nên dùng vốn đầu tư công thay vì vốn sự nghiệp. Khi đưa ra cuộc họp, Sở Tài chính lấy ý kiến thì Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu lại quan điểm trên. Vì vậy, Sở TN-MT làm lại thủ tục theo hướng dùng vốn đầu tư công, rồi trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và địa phương, giải trình… nhưng vốn vẫn chưa được bố trí.
Tháng 1-2024, Sở TN-MT có tờ trình HĐND TP HCM, UBND TP HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư về thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn TP HCM. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở TN-MT. Dự án với tổng mức đầu tư 117 tỉ đồng (nhóm B), thời gian thực hiện giai đoạn 2023-2026. Dự án này Sở TN-MT đã điều chỉnh quy mô từ 59 tuyến xuống còn 55 tuyến với tổng chiều dài tuyến 515 km, tổng chiều dài mép bờ cao 850 km.
"Hiện cắm mốc bảo vệ hành lang sông, rạch trên địa bàn theo kế hoạch 700/2023 thì chưa triển khai được. Bây giờ xin lại chủ trương đầu tư dự án và phải chờ tới các kỳ họp HĐND TP HCM để được bố trí vốn" - đại diện Phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám nói.
Xây dựng quyết định mới
Trong lúc công tác cắm mốc bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch chưa như mong đợi, TP HCM chủ trương điều chỉnh Quyết định 22/2017 (về quy hoạch, khai thác sử dụng đất, cấp phép và quản lý xây dựng, xây dựng kè chống sạt lở…).
Cụ thể, tháng 4-2023, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp cùng Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan rà soát toàn diện các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện quyết định 22/2017. Đồng thời, căn cứ cơ sở pháp lý hiện hành cũng như nhu cầu phát triển kinh tế xã hội để bổ sung hoặc thay thế Quyết định 22/2017.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Sở Giao thông Vận tải đã có công văn gửi UBND TP HCM về việc đề nghị xây dựng quyết định thay thế Quyết định 22/2017. Theo sở này, quyết định thay thế cần bổ sung các quy định về trường hợp áp dụng hành lang bảo vệ trên bờ mà Quyết định 22/2017 chưa có.
Cụ thể như các nội dung bảo vệ điểm lấy nước, hồ chứa nước, đập nước; hành lang bảo vệ hồ điều tiết, hồ cảnh quan, kênh, rạch nhân tạo; hành lang bảo vệ các kênh, rạch có chức năng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp... Đồng thời, bổ sung các cơ sở xác định phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ để phù hợp với tình hình thực tế.
Các vấn đề liên quan đến giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ cũng được nêu tại công văn trên. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung quy định về việc đăng ký mục đích sử dụng đất phù hợp với công trình dự kiến xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền xem xét đăng ký mục đích sử dụng đất sẽ xác định thời gian sử dụng đất theo thời hạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn đối với việc cấp giấy phép, quản lý xây dựng trên hành lang bảo vệ bờ.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị bổ sung quy định về cơ chế cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn trên địa bàn thành phố.
Hoàn thành quyết định thay thế trong năm nay
Từ đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường phân công sở này là cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định ban hành quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch và hồ thuộc địa bàn TP HCM, để thay thế quyết định 22/2017.
Sở Giao thông Vận tải sẽ căn cứ vào quy định để tham mưu, xây dựng dự thảo quyết định trình UBND TP HCM. Thời gian dự kiến thực hiện là đến quý III/2024.
Theo tìm hiểu, cách đây 20 năm, UBND TP HCM ban hành quyết định 150/2004, quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố. Theo quy định, chiều rộng phạm vi hành lang đối với sông, kênh, rạch cấp I-II là 50 m mỗi bên; cấp III-IV là 30 m mỗi bên; cấp V-VI là 20 m mỗi bên; kênh, rạch khi chưa được phân cấp kỹ thuật thì hành lang là 10 m mỗi bên. Đến năm 2017, UBND TP HCM ban hành Quyết định số 22/2017 thay thế cho Quyết định 150/2004, các thông số về chiều rộng hành lang không đổi...
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-5
Bình luận (0)