Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết rất khó để chuyển từ nhà tái định cư (TĐC) sang nhà ở xã hội nên thành phố chủ trương bán đấu giá gần 5.000 căn hộ TĐC.
Chờ quyết toán
Trên khu đất hơn 30 ha, khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) xây dựng với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng từ hơn 10 năm trước, với hơn 500 nền TĐC và 45 lô chung cư, gần 2.000 căn hộ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa số lô chung cư có người về ở nhưng cũng không lấp đầy. Còn hơn 20 lô vẫn để trống nên xuống cấp.
Trước đây, hằng năm Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh tốn kinh phí lớn để quản lý, vận hành, bảo trì, lên tới 5-6 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc này cũng khó khăn vì có thời điểm phải tự bỏ kinh phí và chờ thành phố quyết toán.
Theo quyết định của UBND TP HCM, năm 2023, những lô trống tại khu TĐC Vĩnh Lộc B được bàn giao về Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng - Sở Xây dựng TP HCM.
Tương tự, hàng ngàn căn hộ TĐC tại khu 38,4 ha, phường An Khánh (TP Thủ Đức) thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ TĐC cho người dân bị giải tỏa tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Xây dựng ở vị trí đẹp nhưng lại "vắng khách" nhiều năm qua nên xuống cấp. Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng cũng tiếp nhận, quản lý theo quyết định của thành phố. Hiện các lô TĐC trống được giăng thép gai, với các chốt bảo vệ để quản lý.
Ngoài các khu TĐC tập trung, thành phố cũng có số lượng lớn các căn hộ TĐC nằm trong các dự án nhà ở mà hằng năm phải tốn tiền quản lý vận hành khá lớn.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện thành phố có gần 9.000 căn hộ TĐC thuộc sở hữu nhà nước chưa bố trí cho người dân nằm tại 85 chung cư/cụm chung cư. Hiện 39 dự án chung cư có văn bản, thông báo (của ban quản trị, ban quản lý, Công ty Dịch vụ công ích) đề nghị thanh toán chi phí quản lý vận hành các căn hộ trống do trung tâm quản lý, với hơn 81 tỉ đồng. Trung tâm đã báo cáo Sở Xây dựng tham mưu UBND TP HCM ủy quyền các nội dung để thanh toán chi phí quản lý vận hành.
Khó chuyển mục đích sử dụng
Sốt ruột với thực trạng của hàng ngàn căn hộ TĐC, bà Tô Thị Bích Châu - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM - đã đặt vấn đề về công tác quản lý nhà TĐC trên địa bàn, trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Nhiều chuyên gia, tổ chức cũng nêu ý kiến về việc chuyển đổi nhà ở TĐC đang trong tình trạng "nhà chờ người" sang nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu rất lớn của người dân, tránh lãng phí nguồn nhà TĐC.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết thành phố còn hơn 11.000 căn hộ và nền đất, trong đó có gần 9.000 căn hộ và hơn 2.000 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, đang để trống. Trong đó, một nhóm căn hộ có chủ trương đấu giá và nhóm bố trí TĐC cho 258 dự án đầu tư công trên địa bàn.
Theo đó, thành phố có chủ trương đấu giá 4.927 căn hộ, gồm 3.790 căn ở khu TĐC Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức và gần 1.000 căn ở Vĩnh Lộc B. Các dự án này được hình thành từ vốn ngân sách và vay ngân hàng.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cũng phân tích rõ việc không thể chuyển nhà TĐC sang nhà ở xã hội. Theo ông, quy định về nhà ở xã hội rất khắt khe. Nhà ở xã hội đã được miễn tiền sử dụng đất, tức là không tính chi phí sử dụng đất vào trong giá thành. Khi nhà ở xã hội được tính toàn bộ các chi phí (cả chi phí bồi thường) nên giá thành sẽ cao.
Bên cạnh đó, nhà ở xã hội chỉ được nằm trong khung dưới 70 m2 nên chỉ có khoảng 30% trong 3.790 căn đáp ứng được yêu cầu. Quản lý thì phải cả tòa nhà chung cư chứ không thể chia cắt giữa nhà ở xã hội và nhà TĐC.
Cần chia nhỏ để đấu giá
Theo các chuyên gia, thành phố từng đấu giá 3.790 căn hộ ở Thủ Thiêm nhưng thất bại, nên lần này cần chuẩn bị kỹ lưỡng các thủ tục pháp lý trước khi tạo sự phù hợp, hấp dẫn ở lần đấu giá này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần chia nhỏ đấu giá lẻ từng gói để doanh nghiệp dễ tiếp cận, bảo đảm nguồn lực tài chính tham gia đấu giá.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP HCM, cho rằng 3.790 căn hộ TĐC ở khu 38,4 ha đã xuống cấp trầm trọng nên đấu giá sẽ thấp. Tuy vậy, dù giá thấp thì thành phố nên đi theo con đường này.
Theo ông, việc thành phố chuyển từ nhà TĐC sang nhà ở thương mại để đấu giá thì sẽ dễ thành công hơn. Nhưng để thuận lợi cho đơn vị tham gia đấu giá, thành phố phải hỗ trợ các chính sách, giấy phép liên quan. Đồng thời có mức giá phù hợp để thành phố thu tiền ngân sách nhưng cũng bảo đảm nhà đầu tư có lãi để họ tham gia.Nếu tình trạng căn hộ TĐC ở đây để trống kéo dài thì ngoài tiếp tục xuống cấp, thành phố cũng tốn thêm chi phí quản lý...
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng những căn hộ TĐC cần chi phí lớn để cải tạo cho đạt tiêu chuẩn nhà ở thương mại. Thành phố cần chia nhỏ các gói thầu bán đấu giá sẽ khả thi hơn. Ngoài ra, có thể cho doanh nghiệp trả chậm, thu tiền nhiều lần và tính theo lãi suất ngân hàng. Nếu phương án không tốt thì đấu giá sẽ không thành công. n
Giải quyết hàng loạt thủ tục
Về kế hoạch tổ chức đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong báo cáo gửi Thành ủy TP HCM, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu rõ tài sản đấu giá được tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để bảo đảm chặt chẽ về trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định bán tài sản công theo quy định pháp luật, UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu đề xuất các thủ tục pháp lý theo quy định. Vì vậy, cần có thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan trước khi tổ chức đấu giá.
UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị tham mưu, đề xuất báo cáo về chuyển đổi từ mục tiêu quỹ nhà TĐC sang nhà ở thương mại; xác lập sở hữu toàn dân đối với các hạng mục công trình sử dụng chung, hành lang, cầu thang, lối đi, công viên... và trình UBND TP HCM xác lập quyền sở hữu toàn dân với tài sản công để đấu giá.
Bình luận (0)