Đạo diễn Vinh Sơn cho rằng: “Bạo lực tránh cũng không được vì nó là cuộc sống, là vấn đề con người, nó có mặt ở khắp nơi. Trên thế giới, phim hành động phát triển theo nhiều dòng. Phim đầy chất bạo lực, đẫm máu cũng có, hành động được trình bày một cách đúng đắn cũng có. Bạo lực cũng như hài, lãng mạn… đều tốt, cái chính là người làm phim khai thác cỡ nào. Phim hay hay dở đều do cách xử lý của mỗi đạo diễn”. Theo ông, bạo lực cũng có cái đẹp khi nó đi kèm với tính nhân văn.
Một cảnh trong phim Đường đua (Ảnh do hãng phim cung cấp)
Một phần của kịch tính!
Lý giải về xu hướng thích làm phim hành động của các nhà sản xuất cũng như đạo diễn trẻ hiện nay, diễn viên Hồng Ánh khẳng định: “Tìm tòi những xu hướng mới luôn là khao khát của những người làm công việc sáng tạo. Nếu đi theo con đường cũ, các đạo diễn trẻ sẽ không thấy được thách thức và sự say mê của người đi tìm cái mới. Còn đối với nhà sản xuất, cái mới luôn là điều mạo hiểm nhưng mạo hiểm luôn là cơ hội”.
Nhận định về sự gia tăng yếu tố bạo lực trên màn ảnh, đạo diễn Vinh Sơn cho rằng bạo lực cũng như sex, luôn là một phần của kịch tính. Theo đạo diễn này, “nhạt” luôn là nỗi lo của các nhà sản xuất phim thương mại. “Tôi thấy nhiều phim nhẹ nhàng rất hay nhưng khán giả lại chai đi trước sự nhẹ nhàng ấy. Họ muốn mọi thứ phải nặng, phải quá lên, giống như người bệnh uống liều nhẹ, không hiệu quả nữa. Để chắc ăn, người làm phim phải tăng liều lượng vào. Đại đa số khán giả thích điều đó”- tác giả của phim Trăng nơi đáy giếng nói.
Theo ông, bạo lực trong phim Việt “chưa đến nỗi báo động” nhưng cũng cảnh báo: “Nếu các nhà làm phim luôn gia tăng liều lượng, khiến cho khán giả quen với liều lượng mạnh, với cảm giác mạnh thì họ mất đi cảm giác thưởng thức đối với những gì tinh tế, ý nghĩa, xúc động. Khán giả sẽ thấy không đủ đô, không đủ liều lượng. Đó là điều nguy hiểm”.
Nên quy định rõ ràng và công bằng
Diễn viên kiêm nhà sản xuất này cũng khẳng định đã là phim hành động thì rất khó tránh khỏi bạo lực. Để giải quyết mâu thuẫn giữa cơ quan kiểm duyệt và khán giả thì việc đầu tiên là nên đặt lòng tin ở khán giả, đừng “quyết định thay” cho họ. Thứ hai, cần có một hệ thống đánh giá rõ ràng, minh bạch và công bằng với tất cả, dù là phim tư nhân hay phim làm bằng tiền của Nhà nước. “Những nhà làm phim, các đạo diễn thậm chí có thể chấp nhận những quy định ngặt nghèo và khe khắt, miễn là những quy định đó rõ ràng và công bằng” - Hồng Ánh nói.
Từ kinh nghiệm của Đường đua, nhà sản xuất này cho rằng: “Những rắc rối xảy ra với bộ phim có thể tránh được nếu như chúng ta tôn trọng sự đa dạng của nội dung và công tác quản lý dừng lại ở mức độ khuyến cáo cho khán giả. Tôi luôn luôn nghĩ rằng khán giả đủ trình độ, kinh nghiệm sống và bề dày văn hóa để quyết định “khẩu vị” cho món ăn của mình. Dựng một hàng rào kỹ thuật bằng việc dán nhãn phân loại phim là hợp lý”.
Tuy nhiên, dường như ở Việt Nam, việc phân loại phim cho từng đối tượng không phải dễ dàng thực hiện. Một lãnh đạo của Cục Điện ảnh thừa nhận không thể tìm được hệ thống phân loại phim thống nhất ở mọi nơi. “Khi pháp luật còn chưa thực thi đồng bộ, việc kiểm soát việc thực thi pháp luật chưa chặt chẽ thì hình thức “khuyến cáo” cũng không có nhiều ý nghĩa”- một chuyên gia điện ảnh nhìn nhận.
Cần tiếng nói chung Không phải phim nào cũng may mắn như Đường đua. Bẫy cấp ba đã phải dừng chiếu, Bụi đời Chợ Lớn chưa biết bao giờ mới được ra rạp. Trước độ vênh luôn tồn tại giữa người làm phim và cơ quan duyệt phim, nhà sản xuất Hồng Ánh cho rằng nếu các thành viên hội đồng duyệt phim và nhà sản xuất, đạo diễn có cách nhìn khác nhau về thông điệp bộ phim thì việc “chỉnh sửa tổng thể” là một quá trình rất phức tạp, nhất là điện ảnh liên quan đến rất nhiều khâu, không phải muốn sửa là sửa ngay được. Chị cho hay với Đường đua, việc đầu tiên của nhà sản xuất là ngồi lại với hội đồng thẩm định để thống nhất, có được tiếng nói chung về thông điệp của bộ phim. Khi vượt qua được những khúc mắc như vậy thì việc chỉnh sửa dễ dàng hơn rất nhiều. |
Bình luận (0)