Ảnh: HOÀNG DUNG
Tín hiệu đáng mừng
Điều không thể phủ nhận là nhờ có Chỉ thị 65 của Bộ VH-TT-DL mà tình trạng hát nhép đã giảm đáng kể, nhất là trong lĩnh vực ca nhạc.
Nhiều chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định này, bắt buộc ca sĩ biểu diễn phải hát bằng giọng thật (hát sống), chấp nhận chất lượng không tốt như âm thanh phòng thu. Nổi bật nhất là chương trình Bài hát yêu thích của VTV, bắt buộc ca sĩ hát sống, phơi bày năng lực, trong đó có cả những giọng ca lâu nay rất được công chúng yêu thích nhờ hát nhép.
Mới đây, trong chương trình trao giải Tìm kiếm tài năng Việt, ca sĩ Thu Minh đã phải chép lời bài hát vào tay vì thiếu tự tin mình không thuộc lời bài hát khi biểu diễn. Dù hành động này bị công chúng chỉ trích nhiều nhưng phần nào chứng minh ca sĩ không hát nhép.
Các chương trình ca nhạc định kỳ trên sóng truyền hình từng chọn giải pháp cho ca sĩ hát nhép để bảo đảm chất lượng âm thanh tốt cũng đã chuyển sang bắt buộc ca sĩ hát sống. Những sân khấu ca nhạc tổ chức hằng đêm cũng nghiêm túc chấp hành chỉ thị này khi ra thông báo nghiêm cấm hát nhép dán tại điểm diễn để nhắc nhở ca sĩ trước khi ra biểu diễn.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, khẳng định: “Đây chính là những tín hiệu đáng mừng khi cả ngành cùng bắt tay thực hiện quy định, trong đó có sự giúp sức của nhiều lực lượng xã hội, đặc biệt là báo chí”.
Chưa mạnh tay
“Dù kết quả có được sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 65 là không thể phủ nhận nhưng số trường hợp sai phạm vẫn còn nhiều và số người bị “bắt quả tang” rất ít, chủ yếu do báo chí nêu là chính” - ca sĩ Ánh Tuyết nói. Điểm lại những sự kiện bị xử phạt cho thấy cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi báo chí phản ánh.
Ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định: “Văn hóa bì thư trong quá trình xin phép chương trình biểu diễn vẫn còn tồn tại. Điều này lý giải vì sao nhiều sai phạm dù bị phát hiện vẫn không bị xử phạt. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là tình trạng hát nhép vẫn chưa được các đơn vị tổ chức biểu diễn quán triệt thực hiện. Một số chương trình lễ hội gần đây có trình diễn ca nhạc là minh chứng. Đó là chưa kể một số địa phương như Hưng Yên, Ninh Thuận hay Long An vẫn chưa xác lập đường dây nóng để hỗ trợ cho việc thực hiện Chỉ thị 65 như đã thỏa thuận trước đó”.
Hình thức xử phạt còn quá nhẹ cũng nhận được nhiều ý kiến chỉ trích của những người tham dự hội nghị. Mức phạt vài triệu đồng cho một sai phạm thì không đủ răn đe. Như vậy, tình trạng vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật và thời trang vẫn sẽ tiếp diễn.
Ngay khi hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 65 diễn ra, dư luận nóng lên bởi poster, thiệp mời của chương trình Đêm hội chân dài 7 với những hình ảnh phản cảm, không đúng chuẩn mực đang tung ra. Ảnh khỏa thân của nhiều người mẫu “nóng” hiện nay: Ngọc Trinh, Andrea, Thái Hà, Phạm Anh Thư, Huỳnh Tiên... được trình bày trên thiệp mời xem chương trình nhằm câu khách.
Xử phạt ít ỏi Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL TPHCM qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 65, từ tháng 4-2012 đến nay, sở này đã xử lý 11 trường hợp vi phạm, trong đó có 2 ca sĩ, 1 mặc trang phục phản cảm, 1 hát nhép. Ngoài ra, 9 trường hợp bị xử phạt khác là các đơn vị hoạt động tổ chức biểu diễn: Công ty TNHH SXTM và Dịch vụ AV (bị phạt 7,5 triệu đồng do tự tiện thay đổi nội dung, chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi đã được cấp phép); Công ty Truyền thông Tím (bị phạt 15 triệu đồng do tổ chức biểu diễn chương trình thời trang không có giấy phép); Công ty Nhạc xanh và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy Mộc (bị phạt 6,5 triệu đồng do quảng cáo tác phẩm nghệ thuật chưa được phép phổ biến hoặc công diễn); Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Bến Thành (Phòng trà Đồng Dao) bị phạt 6,5 triệu đồng do sử dụng tác phẩm để biểu diễn trực tiếp mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả); Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Nam Ân (bị phạt 15 triệu đồng do tổ chức cho nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn nơi công cộng mà không có giấy phép công diễn); Công ty TNHH Nhà hàng Blanchy Tash (bị phạt 30 triệu đồng do tổ chức cho người nước ngoài biểu diễn nơi công cộng mà không có giấy phép công diễn và quảng cáo rượu mạnh); Công ty TNHH Sân khấu kịch Tâm Ngọc (bị phạt 15 triệu đồng do tổ chức biểu diễn chương trình không có giấy phép); Công ty TNHH Thương mại DV Quảng cáo Cuộc sống Năng động (bị phạt 7,5 triệu đồng do tự tiện thay đổi nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi đã được cấp phép)... So với các tỉnh, thành khác, TPHCM là địa phương tích cực nhất trong việc thực hiện Chỉ thị 65. |
Bình luận (0)