Các thí sinh cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 vẫn ở lại Nha Trang sau khi có quyết định thu hồi giấy phép
tổ chức cuộc thi này của Cục Nghệ thuật Biểu diễn Ảnh: THANH CHUNG
Kiện vì thí sinh và nhà tài trợ
Ông Nguyễn Phong Quang, Giám đốc Công ty Quảng cáo - Truyền thông Rồng Việt, khẳng định: “Chúng tôi khiếu nại vì thấy phải có trách nhiệm đối với quyền lợi của các thí sinh, các đơn vị tài trợ đồng hành cùng cuộc thi trong suốt nhiều tháng qua... Bên cạnh đó là vì danh dự của đơn vị đăng cai và ban tổ chức cuộc thi”.
Về việc “tổ chức vòng thi sơ tuyển rồi mới thành lập ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động, chấm thi của ban giám khảo sau khi đã tổ chức xong sơ khảo” như đã nêu trong quyết định của Cục NTBD, ban tổ chức giải thích là “do một số thành viên ban giám khảo đã được mời bận công tác nên chưa có xác nhận chính thức để Ban Tổ chức cuộc thi ra quyết định thành lập ban giám khảo, cũng như quy chế hoạt động, chấm thi của ban giám khảo . Mặc dù vậy, trong quá trình diễn ra vòng sơ khảo, các thành viên ban giám khảo này đã thực hiện công việc của mình một cách khách quan, thận trọng và công tâm nhất”(?!).
Công ty Quảng cáo - Truyền thông Rồng Việt cũng nói lời phân bì: “Chúng tôi rất ngạc nhiên vì những sai phạm của các cuộc thi nhan sắc trước đó... đều được cho qua một cách rất dễ dàng...”.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn “thách” kiện
“Nếu Công ty TNHH Quảng cáo - Truyền thông Rồng Việt thấy làm đúng các quy định của pháp luật và thấy Cục NTBD làm sai thì cứ việc kiện” - Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương khẳng định vào trưa 3-6.
Nói thêm về sai phạm của đơn vị tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển 2013, ông Nguyễn Đăng Chương cho hay có rất nhiều sai phạm ở cuộc thi này. Đầu tiên có thể kể đến việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các thí sinh không đúng theo quy định của pháp luật. Trong số 114 thí sinh tham gia vòng sơ khảo thì chỉ 59 thí sinh có hồ sơ và trong số 59 hồ sơ này có 23 thí sinh thiếu hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Công ty Rồng Việt cũng không xây dựng quy chế hoạt động của ban giám khảo khi tổ chức sơ tuyển tại TP HCM, Hà Nội và Nha Trang; không xây dựng tiêu chí chấm giải.
Khi bị chất vấn trên cơ sở nào để chọn ra 40 thí sinh vào vòng trong, đơn vị tổ chức đã không lý giải được. Chưa hết, trong số 40 thí sinh được chọn vào vòng thi tiếp theo có 4 thí sinh không có hồ sơ nào cả và 8 thí sinh chỉ có đơn đăng ký dự thi, thậm chí có người viết đơn nhưng không ký tên. “Ngoài ra, còn những thông tin khủng khiếp hơn, chúng tôi chưa xác minh nên chưa thể công bố” - ông Chương cho biết.
Trụ sở ở Khánh Hòa, hồ sơ để ở TP HCM Ban tổ chức cuộc thi cũng không tổ chức vòng bán kết theo quy định. Theo đề án cuộc thi, việc sơ duyệt kéo dài từ ngày 28-5 đến 2-6 nhưng khi đoàn kiểm tra vào làm việc ngày 31-5 thì vẫn không tổ chức vòng bán kết. Trong quá trình làm việc, ban tổ chức cho hay họ định không tổ chức vòng bán kết mà chọn thẳng 40 thí sinh vào chung kết. “Tất cả những tư liệu ấy đoàn kiểm tra đã ghi âm, có chứng cứ đầy đủ kể cả ý kiến của chủ tịch HĐQT công ty Rồng Việt” - ông Chương nói. Ông Chương cũng nhấn mạnh hoàn toàn không có chuyện cơ quan quản lý không cho đơn vị tổ chức thời gian hoàn tất hồ sơ thí sinh. “Khi đoàn tiến hành kiểm tra, ban tổ chức chỉ xuất trình được 29 hồ sơ ở Nha Trang. Chúng tôi hỏi hồ sơ ở Hà Nội và TP HCM đâu thì Công ty Rồng Việt nói để hết ở TP HCM. Trong khi trụ sở của Công ty Rồng Việt là ở Khánh Hòa thì cớ gì lại để hồ sơ ở TP HCM” - ông Chương đặt câu hỏi. |
Bình luận (0)