xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một đời “nghệ sĩ trơn”

Thanh Hiệp

Nghệ sĩ Mai Thành nói ông chỉ mong muốn được làm người nghệ sĩ bình dị, sống với nghề chân chính, bấy nhiêu đó cũng đủ lắm rồi, cần gì phải có thêm danh hiệu

Đã 72 tuổi, vừa mới dứt cơn bệnh, nghệ sĩ lão thành Mai Thành nhận lời mời tham gia bộ phim do Thành đoàn TPHCM thực hiện. Ông đã hoãn lại một sô quay phim quảng cáo để rong ruổi cùng đoàn làm phim về miền Tây sông nước thực hiện các cảnh quay.
 
img
Nghệ sĩ Mai Thành trong phim Long thành cầm giả ca. Ảnh do đoàn phim cung cấp
 
Nhìn ông hóa thân vào nhân vật thầy giáo Thành trong phim, ai cũng xúc động, khâm phục tài năng và niềm đam mê nghề của ông. Tại một cảnh quay ở Trường Tiểu học Xẻo Nhàu – Kiên Giang, khi ông vừa bước vào lớp, lập tức, các em học sinh đứng dậy đồng thanh: “Chào thầy”. Ông ứa nước mắt vì cứ ngỡ mình được làm thầy giáo thật. “Cái nghiệp diễn là vậy đó, thật giả lẫn lộn, hạnh phúc này đâu phải mua được bằng tiền” – ông chia sẻ.

Diễn vai phụ nhưng để đời

Hơn 35 năm gắn bó với sân khấu và điện ảnh, nghệ sĩ Mai Thành chuyên diễn những vai khắc khổ cả trẻ lẫn già. Gương mặt hiền từ, phúc hậu cộng với giọng thoại trầm ấm, ông đã khắc họa rất nhiều vai diễn để đời trên sân khấu các đoàn kịch nói Kim Cương, Bông Hồng, Cửu Long Giang và màn ảnh nhỏ truyền hình từ Bắc chí Nam.
 
Ông nói mình theo nghề như một duyên nghiệp. Ông đi dạy ở Khoa Kịch nghệ Trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 1963 đến năm 1976 thì được Đoàn Kịch nói Kim Cương mời về làm diễn viên. 
Khán giả xem các vở kịch đề tài cách mạng hào hùng một thời như: Ngọn đuốc thành đồng, Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chị Tư Hậu… hoặc các bộ phim: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Như thế là tội ác, Bình minh trên sông Vàm Cỏ, Nỗi lòng người đi, Tha hương, Chiến dịch mùa đông 46… đều không thể quên những vai diễn của ông, dù chỉ là những nhân vật phụ. Vai diễn có lẽ oách nhất của ông là vai giám đốc công ty tàu biển trong phim Biển sáng, đây cũng là vai diễn đầu tiên đưa ông đến với điện ảnh cách mạng.
 
Còn lại, sự nghiệp điện ảnh của ông chỉ toàn vai ông già khắc khổ: Ông già bảo vệ chung cư trong phim Chung cư, ông già trong Người đàn bà không hóa đá, ông già trong phim Long thành cầm giả ca… dù vai phụ nhưng nhân vật của ông đều chất chứa những nỗi niềm riêng, nhờ vậy, ông phát huy được sở trường diễn tả nội tâm của nhân vật.

Không quan tâm vai lớn, nhỏ

Mái tóc dài và chòm râu trắng như cước của ông trở thành lợi thế cho ông trong những vai nông dân Nam Bộ, ông già hiền từ và những vai ông tiên trong các phim cổ tích. Để râu tóc dài bạc phơ cũng là yêu cầu của các đoàn làm phim vì khi cần ông trong những vai diễn này, họ không phải lo hóa trang cho ông.

Dù chuyên đóng vai phụ nhưng ông cũng rất nghiêm túc với nghề. Ông cho biết trước khi nhận lời phải xem kịch bản, thấy hay và thích hợp ông mới nhận. “Tôi không quan tâm đến chuyện vai lớn hay vai nhỏ, chỉ quan tâm đến chuyện thể hiện vai đó như thế nào mà thôi”- nghệ sĩ Mai Thành nói.

Ông kể có lần đạo diễn mời đóng vai một ông lão ăn xin cụt hai chân đi băng qua đường, phải bó hai chân lại và đi bằng đầu gối ông vẫn vui vẻ nhận lời. Hay như phim Siêu thoát, ông nhận đóng vai câm, điếc. Trong phim có cảnh cứu một đứa bé chết đuối trên sông, đạo diễn yêu cầu cho người đóng thế nhưng ông không chịu vì đóng thế sẽ mất hay. Đóng vai này xong ông bệnh luôn.

Yêu nghề, không bỏ được

Ông thú thật mình không phải lo gì chuyện cơm áo, ngày ngày vẫn đủ điều kiện để la cà uống cà phê với bạn bè, tối đến đi dạy các cháu ở Nhà Thiếu nhi quận 4 - TPHCM cho vui. Hiện ông ở với cô con gái thứ năm. Thấy ông vẫn mê đóng phim, lo cho sức khỏe của bố, các con cũng bảo ông hạn chế đi xa nhưng ông nói: “Tôi yêu cái nghề này lắm. Vả lại, đã theo đuổi mấy chục năm, làm sao bỏ  cho được”.

NSƯT Kim Cương nhận xét: “Nghệ sĩ Mai Thành cống hiến cả tuổi trẻ cho sàn diễn và điện ảnh. Nếu xét về công trạng, anh xứng đáng được trao tặng danh hiệu NSƯT từ những đợt trước nhưng có ai trao HCV, HCB cho những vai diễn phụ của anh đâu để anh có thể đủ tiêu chuẩn trong hồ sơ trình xét”.

Với nghệ sĩ Mai Thành: “Thôi, tôi chỉ mong muốn được là một người nghệ sĩ bình dị, sống với nghề chân chính, đem những gì có được từ mái tóc bạc phơ này, từ giọng nói và tấm thân gầy yếu này cho những tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Bấy nhiêu đó cũng đủ lắm rồi, cần gì phải có thêm danh hiệu”.

Tiếp tục công bố danh sách xét tặng các giải thưởng, danh hiệu

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục công bố danh sách xét tặng giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ năm 2011 của Hội đồng Cấp bộ ở các lĩnh vực: Văn học, sân khấu, âm nhạc, văn nghệ dân gian, múa. Trước đó, đợt 1 đã được đăng tải công khai từ ngày 2-7 với danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lĩnh vực múa; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, kiến trúc, điện ảnh; danh hiệu NSND, NSƯT lĩnh vực điện ảnh.

Theo TTXVN, danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học gồm 11 tác giả với 23 tác phẩm, cụm tác phẩm. Trong danh sách này có 2 tác giả đã mất là nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Bùi Hiển. Danh sách này cũng chỉ rõ số phiếu bầu chọn của Hội đồng Cấp bộ, trong đó chỉ có 5 tác giả đạt đủ 12/12 số phiếu của Hội đồng Văn học, có 3 tác giả đạt 11/12 phiếu thuận; 1 người đạt 10/12 và 1 người đạt 9/12 phiếu từ hội đồng. 56 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học.

Lĩnh vực sân khấu có 3 người được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và đều giành 100% số phiếu ủng hộ từ hội đồng. Đó là tác giả Nguyễn Xuân Kim (NSND Sỹ Tiến) với 5 cụm tác phẩm, 6 cụm công trình nghiên cứu; NSND - đạo diễn Nguyễn Đình Nghi với 5 tác phẩm; NSND - đạo diễn Dương Ngọc Đức với 7 tác phẩm.
 
Lĩnh vực sân khấu có 14 người được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước, trong đó có NSND Lê Tiến Thọ, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. NSND Lê Tiến Thọ đã đạo diễn các vở Lý Chiêu Hoàng, Dũng khí Đặng Đại Hộ và là tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên.

Lĩnh vực âm nhạc chỉ có 1 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (đã mất) với 4 ca khúc, hợp xướng Bác đời đời vẫn sống, khí nhạc Tiếng sáo quê hương. 28 tác giả  được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực âm nhạc.

Lĩnh vực văn nghệ dân gian không có ai được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, chỉ có 5 tác giả được đề nghị xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước.

Về trao tặng danh hiệu nghệ sĩ, Hội đồng Cấp bộ đưa danh sách 14 người đề nghị trao tặng danh hiệu NSND trong đó 4 người ở lĩnh vực múa, 9 người ở lĩnh vực sân khấu, 1 người ở lĩnh vực âm nhạc. 84 người được đề nghị xét trao tặng danh hiệu NSƯT, trong đó có 12 người ở lĩnh vực múa, 36 người ở lĩnh vực sân khấu, 36 người ở lĩnh vực âm nhạc.
 
H. Thanh
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo