xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Nghệ sĩ giun” Văn Hiệp

Bài và ảnh: Hoàng Lan Anh

Bạn học cùng khóa 1 lớp đạo diễn, diễn viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam nhiều người được giao vai chính, nhanh chóng nổi tiếng được Nhà nước phong tặng NSND, còn Văn Hiệp vẫn chỉ là “nghệ sĩ trơn”

Đứng chờ tôi trên vỉa hè bên hông Nhà hát Lớn, cạnh Nhà Hát kịch Việt Nam, nơi ông đã gắn bó gần 30 năm, “nghệ sĩ trơn” Văn Hiệp đi đôi dép tổ ong màu xanh, xe Wave, áo sơ mi bỏ ngoài quần, nhìn ông đứng vỉa hè trông giống tài xế xe ôm hơn nghệ sĩ. Ông bảo: “Ngồi cà phê vỉa hè nhá, tôi chỉ thích vỉa hè thôi”. Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những lời chào hỏi của nhân viên phục vụ lẫn người đi đường. Có anh nhân viên còn nhiệt tình chạy xa tít tắp mượn cái điếu cày cho ông hút thuốc lào để đỡ cơn nghiện.

Ông vẫn gầy nhom như trên màn ảnh. Ông cho biết mình bị đau đại tràng kinh niên nên bụng đau, người mệt, nhiều khi không thiết làm gì nữa. “Tôi uống thuốc chữa bệnh đại tràng nhiều đến nỗi bà chủ hãng thuốc nhờ làm luôn người mẫu quảng cáo cho nhãn thuốc” - nghệ sĩ Văn Hiệp nói rồi cười khà khà.

Duyên nghiệp

Ông bảo: “Tớ là dân Hà Nội thứ thiệt đấy nhưng từ khi sinh ra đã xấu giai, dáng người thấp, mắt nhỏ, nói chung là hình thức chả có gì phù hợp với điện ảnh, vì phim ảnh thì phải đẹp trai. Nhưng số phận đã sắp đặt cả, học hết phổ thông, mấy ông bạn rủ đi thi vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, thế là thi, chỉ vì đi học thì có học bổng. Chiều cao thiếu nửa cm, vậy mà vẫn đỗ, chắc có tí khả năng bù lại”.

img
Nghệ sĩ Văn Hiệp trong đời thường
Trong khi nhiều bạn học cùng khóa 1 lớp đạo diễn, diễn viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh đều được giao vai chính, nhanh chóng nổi tiếng, nhiều người được phong tặng NSND như Thế Anh, Đoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu, Lâm Tới, Trà Giang... riêng Văn Hiệp chỉ chuyên đóng vai phụ.
Ông bảo mình hình thức xấu nên chỉ có vai phụ thôi. Trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, những vai đẹp, hoành tráng, như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thủ Độ không bao giờ đến lượt người thấp bé, mắt híp như Văn Hiệp (phải mổ đến mấy lần mới được như hiện nay- PV). Mà thực tế thì luôn phũ phàng, đã vai chính dù chưa phải thực hay cũng được khen, còn vai phụ dù có xuất sắc mấy cũng được ít người nhắc đến. Văn Hiệp bảo ông luôn tự nhắc mình, hình thức không đẹp thì phải trau dồi về tài năng, phải phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật.

Tự hào với nhân vật trưởng thôn

“Ơn giời, nhờ diễn xuất tốt nên tôi cũng có vài vai được chú ý” - nghệ sĩ Văn Hiệp thích thú kể lại. Trước khi được yêu mến trong phim Người vác tù và hàng tổng, Văn Hiệp đã có biệt danh “ông đơn giản gọn nhẹ” nhờ vai ông đại tá “đơn giản, gọn nhẹ” trong phim Ông già hồn nhiên của đạo diễn Trọng Liên. Cách diễn xuất như không của ông trước những khó khăn về thủ tục hành chính trong phân chia nhà cho cán bộ đã khiến rất nhiều tướng tá trong quân đội thích thú.
Sau này, khi đóng vai ông bí thư chi bộ trong Người vác tù và hàng tổng của đạo diễn Phi Tiến Sơn, đặc biệt là loạt tiểu phẩm về trưởng thôn, Văn Hiệp đã gắn tên tuổi của mình với hình ảnh ông trưởng thôn nhiệt tình, vui vẻ. Ông bảo chính sự gần gũi trong cách cư xử với mọi người, từ lời nói, hành động đến cử chỉ  của ông trưởng thôn đã khiến khán giả thấy ông này có thật trong cuộc sống chứ không phải trong phim ảnh. Ông kể có lần đi diễn ở vùng cao, xe bị hỏng lốp dọc đường phải dừng lại để sửa, đồng bào trong bản thấy Văn Hiệp liền chạy ra mời vào nhà. Ngồi bên bếp lửa, thấy “ông trưởng thôn” buột miệng nói thích ăn sắn (khoai mì), thế là lúc sau đã thấy mấy người bê sang nồi sắn còn bốc khói. 

Không màng danh hiệu

Gần 50 năm gắn bó cả sân khấu và điện ảnh, Văn Hiệp vẫn chưa có bất cứ một danh hiệu nào. Nhưng ông bảo chẳng có thời gian đâu mà buồn phiền. Cuộc sống đã sắp đặt cho mỗi người một số phận và ông hiểu chẳng có gì phải buồn, dù xung quanh có rất nhiều điều không được như ý mình muốn. Với ông, làm một nghệ sĩ bình thường, được khán giả yêu mến là hạnh phúc rồi. Thời gian của ông dành cho việc đi diễn, nghiên cứu nhân vật, nếu rảnh nữa thì viết kịch bản.
Vào đêm giao thừa, mùng một, mùng hai, mùng ba Tết vừa rồi, ông đóng cửa viết một mạch 4 tiểu phẩm hài Tết. Ông bảo hài bây giờ có quá nhiều tiểu phẩm nhảm nhí nên ông muốn mình tự viết. Rồi lại cười khà khà: “Văn mình, vợ người, tôi thấy mình viết cũng được lắm. Mấy đạo diễn đọc xong đều bảo được, giờ đang tìm tài trợ”. Không chỉ viết kịch bản, Văn Hiệp còn làm thơ, trong đó có bài Nghệ sĩ giun được ông coi như tự họa về cuộc đời mình:

Nơi nào có đất cằn/ Nơi ấy có họ nhà giun/ Hiền lành chẳng làm đau ai/ Mềm oặt như sợi bún/ Năm năm, ngày ngày, tháng tháng/ Miệt mài thâu đêm suốt sáng/ Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một/ Và đất và giun tơi xốp/ Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von/ Đất và giun và rất nhiều giun/ Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm/ Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non/ Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun.

Diễn vì số đông quần chúng
Được đào tạo diễn viên chuyên nghiệp nhưng cuối cùng lại chọn gắn bó với hài, Văn Hiệp trầm ngâm, có đồng nghiệp, cũng là bạn ông, từng bảo sao ông chỉ làm những thứ bình dân. Ông nói lúc ấy mình chỉ cười thôi.  Thực tế hiện nay có những thứ được khen hay lại ít khán giả đón nhận, cũng có những thứ bị chê là “bình dân” thì số đông lại thích. Văn nghệ phải làm sao để mọi người đều thích, đó mới là điều khó. “Tôi luôn xác định đối tượng phục vụ của mình là số đông quần chúng và tôi diễn để phục vụ số đó. Vậy nên có sô diễn phục vụ bà con ở tỉnh, ở huyện, ai ngại thì ngại, bảo tôi đi là đi ngay. Đi không kén chọn, vì tôi thích làm việc, trừ những lúc sức khỏe không cho phép” - nghệ sĩ Văn Hiệp nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo