Ông Vương Duy Biên: Quá nhiều là do cách báo chí đưa tin, thực ra các cô ấy đâu phải Hoa hậu, Á hậu nhưng báo chí cứ chụp cho người ta chiếc mũ ấy.
Quy chế 87 về tổ chức thi Hoa hậu, hoa khôi, người đẹp đã quy định cụ thể mỗi năm chỉ có một cuộc thi hoa hậu quy mô toàn quốc, thi hoa khôi chỉ tổ chức 3 cuộc/ năm, đó là một cuộc thi vùng, một cuộc thi ngành và một cuộc thi đoàn thể chính trị - xã hội. Các cuộc thi người đẹp trong tỉnh, thành phố hai năm diễn ra một lần.
Chỉ một người đẹp được đăng quang ngôi vị Hoa hậu trong một năm thì không thể nói là quá nhiều.
*Hoa hậu thì một, nhưng hoa khôi thì có đến gần cả chục. Ít nhất đến thời điểm này đã có những cuộc thi sắc đẹp: Hoa hậu Việt Nam, Hội thi Người đẹp Kinh Bắc (Bắc Ninh), Người đẹp Hạ Long (Quảng Ninh), Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), Người đẹp Miệt vườn (Sóc Trăng)… Ông vẫn cho là chưa phải nhiều?
*Thực tế, nhiều người đẹp chỉ muốn có danh hiệu để bán dâm giá cao. Theo ông, việc này có làm cho danh hiệu Hoa hậu, Hoa khôi vốn được tôn quý đang bị hạ thấp, bôi đen?
- Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuộc thi sắc đẹp mà Mỹ Xuân đăng quang không chỉ là cuộc thi cấp tỉnh, mà còn nằm trong khuôn khổ các hoạt động của một hội chợ thương mại để làm cho chương trình hội chợ thêm phong phú (Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Mê Kông Expo- Sóc Trăng 2009 - PV).
Một cuộc thi như vậy thì không thể nói là cô ấy đăng quang ngôi vị Hoa hậu như báo chí đã đưa, đó chỉ là những thông tin từ phía báo chí mà thôi. Cần xác định lại ai là người phong danh hiệu Hoa hậu cho cô ấy hay cô ấy tự phong. Chúng tôi mong báo chí phản ánh chính xác để danh hiệu của những người chân chính không bị ảnh hưởng.
Nhưng phải nói thực, đọc những thông tin này, tôi thấy buồn. Đây là điều mà chúng tôi hoàn toàn không mong muốn.
*Vậy những vụ việc không mong muốn này được cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý như thế nào?
- Theo thông tin trên báo chí, chúng tôi được biết tỉnh Sóc Trăng có văn bản cho phép tổ chức cuộc thi này. Chúng tôi đang yêu cầu phía Sóc Trăng báo cáo, nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía địa phương.
Còn đối với các người đẹp, quy chế đã quy định rõ, thí sinh đoạt giải có hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả xấu và làm ảnh hưởng đến danh hiệu thì sẽ bị đơn vị tổ chức tước danh hiệu. Như vậy, các hoa khôi, người đẹp đi bán dâm đương nhiên sẽ bị tước danh hiệu.
*Để ngăn chặn hậu quả đáng buồn và không làm ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của các danh hiệu Hoa hậu, Hoa khôi... ngoài việc tước danh hiệu, Cục có đưa ra những quy định cụ thể gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Họ cần phải sống có đạo đức chứ không phải cứ cao ráo là tự phong cho mình người mẫu; đi thi người đẹp là có thể phong cho mình danh hiệu Hoa hậu. Tôi cũng muốn nói, khi tiếp nhận thông tin, báo chí phải sàng lọc xem thông tin ấy đã chính xác hay chưa.
*Bộ VH-TT&DL đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý biểu diễn trình Chính phủ. Các ông có đưa vấn đề quản lý Hoa hậu, người đẹp vào trong dự thảo Nghị định này?
- Tất nhiên là có. Trong dự thảo này, chúng tôi quy định rất rõ về tên gọi, danh hiệu và số lượng các cuộc thi trong năm cũng như quyền và trách nhiệm của đơn vị tổ chức, thí sinh đạt danh hiệu… Dự thảo Nghị định đã nhận được sự nhất trí cao qua các lần lấy ý kiến và chắc chắn sẽ sớm được Chính phủ ban hành.
Ông Lê Xuân Sơn, Quyền Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012:
“Hậu” Hoa hậu, chưa quản lý được!
Ông Lê Xuân Sơn thừa nhận, việc các người mẫu, người đẹp bán dâm thời gian qua ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (HHVN) sắp diễn ra, đó là điều rất đáng buồn.
Và để hạn chế tối đa những ảnh hưởng này, nhất là khi phần nhiều thí sinh dự thi lại là người mẫu, ông Sơn cho biết, trong thể lệ cuộc thi HHVN đã quy định rất rõ những tiêu chí, điều kiện để thí sinh tham dự cuộc thi, trong đó đề cập rất rõ đến tiêu chí đạo đức. Ông Sơn cho biết thêm, trong thành phần Ban chỉ đạo, BTC cuộc thi HHVN luôn có đại diện của Bộ Công an để đơn vị này thẩm định hồ sơ, giấy tờ của thí sinh, những thí sinh lọt vào vòng chung kết phải đúng với tiêu chí cuộc thi.
“Toàn bộ thí sinh đăng ký dự thi đều được cơ quan công an thẩm định, xem xét trên hồ sơ. Những thí sinh lọt vào vòng trong, đặc biệt là ứng viên giành giải, chính báo Tiền Phong- đơn vị tổ chức cuộc thi sẽ thẩm tra qua các nguồn: tổ dân phố, công an phường và nhà trường. Chúng tôi bao giờ cũng làm việc này”, ông Sơn tiết lộ.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, các cô gái dự thi và cả những người đoạt giải đều đã đến tuổi công dân, họ đều ý thức được rằng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình cũng như cần phải làm sao cho đúng đạo đức, truyền thống cũng như pháp luật. “Tai tiếng vừa qua của một số người đẹp, người mẫu, dù không phải đông, nhưng vẫn là tấm gương cho các thí sinh nhìn vào để có những hành xử đúng, tránh vấp phải những tai tiếng”, ông Sơn nhận định. Trưởng BTC cuộc thi HHVN 2012 cũng cho rằng, vấn đề phức tạp ở đây là làm thế nào để quản lý được những người đoạt giải sau cuộc thi, nói cách khác là “hậu” hoa hậu. Ông Sơn cho rằng, hiện nay quy chế của ta không rõ, trong khi ở Việt Nam chưa có đơn vị chuyên nghiệp tổ chức các cuộc thi Hoa hậu. Các BTC sau cuộc thi thường giải tán, vì vậy hiệu lực quản lý cũng không cao. Sau những tai tiếng vừa rồi, ông Sơn cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi Hoa hậu cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, đưa ra giải pháp hợp lý. H.L.A ghi |
Bình luận (0)