Từ trang báo mạng đến gia đình
Báo Thể Thao & Văn Hóa (thuộc TTXVN) đã mở tọa đàm online về vấn đề này, có thể nói đây là phát súng mở màn cho cuộc chiến chống lại thảm họa “playboy hóa”. Tiếp theo là Báo Người Lao Động bức xúc vào cuộc với loạt bài 3 kỳ, chia lửa cùng đồng nghiệp. Và, mới đây nhất, ngày 24-6-2011, Báo Tuổi Trẻ tuy không hẳn chĩa mũi dùi vào vấn nạn “sốc, xếch” nhưng cũng góp phần mạnh mẽ bằng bài khai pháo “Thảm họa soi mói”… trong đó, cũng đề cập những pha khai thác méo mó chuyện “lộ hàng” ngực, mông, đùi… Thế nhưng, bất chấp những ý kiến sôi sục, một số báo mạng, trang mạng vẫn điềm nhiên “playboy hóa” từng ngày!
Cô ấy (Thủy Top - ảnh) đã bước vào điện ảnh bằng những bức ảnh thế này đây?! Ảnh: INTERNET
Báo chí là một kênh thông tin rộng rãi, với nhiều hình thức phong phú, tiếp cận nhanh chóng đến mọi tầng lớp người đọc, không phân biệt tuổi tác. Báo mạng có thế mạnh vượt trội hơn hết về sự nhanh nhạy, cập nhật nhiều lần trong ngày, với một cú click chuột, người đọc sẽ tìm thấy cái mình muốn xem. Thời buổi này, đọc báo mạng chẳng phải là cái gì ghê gớm lắm, học trò tiểu học cũng rê chuột ầm ầm và đi khắp nơi để làm bạn với cái mà chúng yêu thích, như game online chẳng hạn.
Để thể hiện được trách nhiệm đó, báo chí phải thông tin có chọn lọc, đúng đối tượng. Mỗi ngày, theo các trang báo mạng, dòng chảy cuồn cuộn của xã hội tràn vào các cơ quan, công ty, công sở, rồi len lỏi vào tận các hang cùng ngõ hẻm, dừng lại trong mỗi gia đình.
Báo chí đang nghèo đi
Trong dòng chảy tin tức đó, nếu chỉ phần nhiều là “lộ hàng”, là ngực khủng, mông to, là ảnh “nghệ thuật” bảo vệ môi trường, là ảnh của người đàn ông diễn tả sự bức bối thể xác, là ảnh của cô bé 13 tuổi phân trần về vòng 1… thì báo chí hiện nay quả là nghèo thực sự về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người đi lấy tin tức trong trường hợp này, đem về tòa soạn những món hàng “gì đâu” mà vẫn được ban biên tập đồng ý cho dọn lên bàn ăn, mời người đọc thưởng thức thì phải đặt dấu hỏi về khả năng thẩm định, duyệt bài. Có khi nào việc này không cần phải thẩm định nữa mà đã trở thành “chủ trương” ?
Thật chói tai nếu bảo rằng chỉ vì xem hình “playboy” mà trẻ con tò mò, tọc mạch thế giới người lớn; đàn ông, đàn bà “học đòi” khoe của quyến rũ lẫn nhau làm băng hoại giềng mối gia đình… Nhưng, một khi nó đã là chuyện thường ngày, cứ lặp đi lặp lại hết tháng nọ năm kia thì hiểm họa là điều không tránh khỏi. Đi mãi sẽ thành đường, trong trường hợp “tạo” nên cái xấu, thành ngữ này cũng là một cảnh báo có giá trị.
Nguy hiểm hơn nữa, sau những lần “lên hình” như vậy, là liên tục xuất hiện bài phỏng vấn cho đối tượng thanh minh thanh nga tại vầy tại nọ, dài dằng dặc, tiếp theo nhiều kỳ. Rồi đăng ý kiến phản hồi mà lượng ủng hộ với lượng phản đối gần như bằng nhau! Mà đâu chỉ đăng toàn chữ, phải nhắc đi nhắc lại những tấm hình “playboy” cho có “ảnh minh họa”!
Cũng có người nói xem cái “nghèo” của thiên hạ cũng là một nhu cầu. Đúng là như vậy. Nếu thế, nên mạnh dạn duyệt cho ra dăm ba tờ báo rặt như vậy để phục vụ những người đọc có nhu cầu đó. Giống như người thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn thì mua sản phẩm có Trịnh Công Sơn. Người thích ca sĩ Ngọc Sơn thì mua sản phẩm có ca sĩ Ngọc Sơn. Hiện nay, một số báo mạng đang làm một việc dở hơi là đem tất cả các thứ nhồi vào một chõ và tung hê lên mặt báo, thậm chí cái “ghê” lại chiếm tỉ lệ cao hơn.
Báo in cũng “playboy hóa”!
Không phải báo in không chơi kiểu “playboy” đâu nhé! Vẫn có. Chỉ những tờ báo in khổ lớn mới còn đủ thận trọng với loại bài vở, hình ảnh câu khách kiểu này. Chứ một số báo in dạng tạp chí, hình thức sang trọng, dày cộp thì chẳng từ nan… Trong khi chưa có thể cho phép xuất hiện những tờ báo chuyên về ngực, mông, đùi thì rất cần có những biện pháp dưới luật để giúp cho báo chí “thanh lọc cơ thể” phần nào, đừng vì ham lượng truy cập khủng để câu quảng cáo mà trở thành những đầu bếp tệ hại khiến khách hàng của mình ngộ độc thực phẩm!
Nhà báo có đạo đức luôn đối xử với nguồn tin, với đối tượng được đưa tin, với bạn đọc và đồng nghiệp như những con người đáng được tôn trọng.
So với một số thảm họa trong ca khúc, việc “playboy hóa” báo chí là thảm họa kinh hoàng hơn một khi báo chí đã tự chối bỏ đẳng cấp truyền thông của mình là dẫn dắt thông tin để rồi hân hoan biến mình thành vườn cải đầy sâu bệnh! |
Bình luận (0)