* Phóng viên: Ông nói gì về thực trạng hàng loạt báo điện tử đua nhau đăng tải tin, ảnh phản cảm, thậm chí khiêu dâm mà dư luận gọi đích danh là “playboy hóa” báo chí?
- Ông Chu Văn Hòa: Trước hết phải hiểu phần lớn các trang web đưa những nội dung, hình ảnh phản cảm, có thể coi là khiêu dâm là website tự phát, không có giấy phép và server đặt ở nước ngoài. Cơ quan chức năng vì thế chưa thể xử lý được.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng “lập lờ” là việc một số website chưa được cấp phép nhưng vẫn “gắn” mũ là báo điện tử và thường các trang này đăng nhiều nội dung, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và phản cảm. Có điều về mặt thông tin các trang web chưa phép này lại bình đẳng về cơ hội tiếp cận độc giả cũng như các trang báo mạng chính thống có giấy phép hoạt động. Điều này tạo ra mặt bằng thông tin bị nhiễu loạn khiến người đọc có cảm giác báo điện tử cũng chạy theo xu thế “playboy hóa” báo chí.
* Nhưng thực tế, trong số những trang báo lá cải mà bạn đọc điểm mặt có không ít những trang báo điện tử chính thống?
- Điều đáng nói là không phải không có một số báo điện tử, các website đã được cấp phép cũng chạy theo xu hướng lá cải, câu khách. Hậu họa từ việc thông tin dễ dãi, thậm chí là chạy đua nhau phát tán các hình ảnh khiêu gợi, khiêu dâm là điều rất đáng lo ngại cho xã hội, nhất là giới trẻ.
Thế nhưng nhà quản lý không thể chạy theo suốt ngày để giám sát vì có tới hàng chục ngàn website loại này. Trách nhiệm trước hết là Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, chứ một mình Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử là không xuể. Đã có những sở TT-TT ở địa phương rất tích cực trong quản lý các trang thông tin điện tử hay báo điện tử như Sở TT-TT TPHCM, mới đây họ đã có 3 văn bản đề nghị Bộ TT-TT xử lý báo điện tử Vietnamnet về một số sai phạm. Hay một số tờ như danviet, tintuconline, 2sao, phunutoday… Thậm chí là những tờ báo điện tử lớn cũng sai phạm nhiều.
* Ông có nghĩ rằng “playboy hóa” là chủ trương của lãnh đạo các trang web này nhằm có được lượng truy cập cao, thu hút nhiều quảng cáo?
- Đây đúng là một dạng “câu khách”. Phải hiểu một điều rất rõ ràng là những gì hiện lên trang web chính là quan điểm, đạo đức và trình độ của lãnh đạo các trang báo điện tử. Không thể nói chuyện “sơ sẩy, lọt lưới” ở đây được vì quá nhiều lần, thậm chí lạm dụng việc này.
Những trang web được điểm mặt góp phần “playboy hóa” báo chí
* Thực tế không phải báo điện tử hay trang điện tử nào cũng lao vào cuộc đua “sex” nhưng phần đông bạn đọc cho rằng đây là những thông tin không tốt cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ?
- Đây là hồi chuông báo động cho toàn xã hội và không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý Nhà nước. Xã hội, bạn đọc và báo chí cũng cần có thái độ phản đối rõ ràng đối với trào lưu xấu này. Người quản lý cao nhất chính là công luận và nhân dân. Người đọc cần quay lưng và tẩy chay những trang thông tin này. Thực tế, chính bạn đọc đã góp phần làm tăng trào lưu đưa hình ảnh phơi ngực, phơi thân thể và đưa ra những tuyên bố gây sốc của nghệ sĩ trên báo mạng, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, tạo đất sống cho các thông tin, hình ảnh theo kiểu “playboy hóa” báo chí.
* Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có biện pháp nào mạnh hơn, thưa ông?
- Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở TT-TT ra quân và tiến hành xử lý các trang tin điện tử sai phạm trong vấn đề này. Cục đã xử phạt rất nhiều cơ quan báo chí, trang tin điện tử, thậm chí là xử phạt nhiều lần đối với một chủ sở hữu. Tuy nhiên, chế tài xử lý vấn đề này còn quá nhẹ, mỗi sai phạm chỉ phạt từ 4 triệu đến 10 triệu đồng. Do vậy, các báo điện tử hay trang tin điện tử sẵn sàng chịu phạt vì nguồn lợi từ quảng cáo lớn hơn. Chúng tôi kiến nghị cần có quy định xử phạt mức thật cao hoặc “treo” báo trong thời gian dài đối với những sai phạm dạng này.
Không thể chấp nhận! Tôi không phản đối gay gắt những kiểu thông tin có phần câu khách, giật gân như: Người mẫu lộ “ngực khủng” trên sàn diễn, ca sĩ “khoe hàng”, “hớ hênh” trên sân khấu... Bởi những thông tin đó cũng phần nào cho thấy lối sống, lối làm việc cẩu thả, thiếu ý tứ của một số ít nghệ sĩ và nó cũng có mặt tích cực để người nghệ sĩ nhìn lại mình, biết chỉn chu hơn trong mỗi lần xuất hiện trước công chúng. Thế nhưng, tôi phê phán kịch liệt, thậm chí lên án thói “săn tin” vô tâm, thiếu tầm và thiếu chuyên nghiệp của một số phóng viên trẻ của một số trang báo mạng và các chuyên trang văn hóa, nghệ thuật. Ai đời trẻ con của giới nghệ sĩ cũng trở thành “miếng mồi” béo bở cho họ khai thác. Những thông tin “giật gân” câu khách có phần phản cảm, trái đạo đức nghề nghiệp cứ “ra đời”, kiểu như “Con gái Trương Ngọc Ánh lộ quần chíp”, “Hot boy nhà Thanh Thúy lộ ngực trần”... Chúng ta không thể chấp nhận kiểu săn tin “rẻ tiền” như vậy được! Một số nhật báo có tiếng đôi khi cũng quá lạm dụng thông tin khai thác chuyện đời tư của giới nghệ sĩ, chẳng hạn như “Người đàn ông trong bóng đêm của Phương Thanh là ai?”, “Ai là chồng, là cha của Phương Thanh và con Phương Thanh?”,... Trước cơn bão thông tin trên các trang báo điện tử và một số báo in, công chúng có quyền lựa chọn cho mình những tờ báo uy tín nhất để đọc, bàn luận và họ có quyền loại ra khỏi đời sống những gì không cần thiết. Trách nhiệm trong việc đưa những thông tin “lá cải” lên mặt báo nhằm giật gân, câu khách hay vì bất cứ một lý do nào đó thuộc về tổng biên tập của tờ báo đó và ban biên tập.
Bình luận (0)