* Phóng viên: Tiếp nhận công văn của Cục Nghệ thuật Biểu diễn về việc đề nghị các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thu thập các bài hát sáng tác trước 1975 và các bài hát do người Việt định cư ở nước ngoài sáng tác để tiến hành xét duyệt đồng loạt và công bố rộng rãi, chấm dứt tình trạng làm theo cơ chế xin - cho như trước nay, quan điểm của ông như thế nào về việc này?
- Ông Võ Trọng Nam:
Theo tôi, đây được xem là động thái tích cực sau rất nhiều năm việc cấp phép theo cơ chế “xin - cho” đối với các ca khúc ra đời trước năm 1975 đã gây phiền hà cho tác giả, ca sĩ và các nhà sản xuất chương trình ca nhạc. Chủ trương này thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Trung ương Đảng về hòa hợp dân tộc đối với cộng đồng người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhạc sĩ từng sống trong chế độ cũ trước năm 1975.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu của xã hội góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc của công chúng khi có thêm những ca khúc trữ tình ca ngợi quê hương, tình yêu lứa đôi của nhiều nhạc sĩ đã được công chúng, yêu thích được phổ biến hợp pháp. Tuy nhiên, tôi cũng thấy băn khoăn về cách thức triển khai chủ trương này.
* Điều ông thấy băn khoăn là gì? Có phải việc thu thập này sẽ gặp khó khăn?
- Các sở VH-TT-DL là những đơn vị thực hiện, còn thẩm quyền xem xét cấp phép là của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Do vậy, kế hoạch thực hiện phải được triển khai đồng bộ, mang tính khoa học chứ không thể triển khai đơn giản như vậy. TPHCM là địa phương tập trung nhiều nhạc sĩ có những sáng tác phổ biến ở miền Nam trước năm 1975. Hiện Thư viện TPHCM đang lưu trữ hàng ngàn ca khúc từ văn bản cho đến những bản ghi âm.
Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại để thống kê những ca khúc trước năm 1975 mà thư viện còn lưu trữ nhằm thực hiện tốt chủ trương này. Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất, việc làm này cần có thời gian điều tra, tổng kết, đánh giá đầy đủ các mặt khi tập hợp vì cơ quan quản lý nhà nước không tập hợp được đầy đủ mà phải thông qua các đơn vị khác. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân lưu trữ số lượng rất lớn.
Do đó, cục phải thực hiện việc này như một đề án, có kế hoạch, có kinh phí hoạt động bởi muốn tập hợp phải sao chép, in ấn bài hát. Không thể làm theo kiểu suy nghĩ đơn giản, mở kho có sẵn mang đi. Thứ hai, với những nhạc sĩ sáng tác ca khúc trước năm 1975, không thể chỉ quan tâm đến nội dung ca khúc mà còn phải xác nhận nhân thân. Cần phải thành lập hội đồng thẩm định ca khúc và nhân thân nhạc sĩ để chọn lọc thật kỹ trước khi gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn để xem xét cấp phép.
Ca sĩ Lệ Quyên thường hát một số ca khúc được sáng tác trước năm 1975
Ảnh: HUY TÂN
* Đối với các ca khúc sáng tác tại hải ngoại, việc cơ quan quản lý Nhà nước phải đứng ra tập hợp, theo ông, có khó khăn không?
- Về ca khúc của những tác giả ở hải ngoại, việc thu thập là hết sức nhiêu khê. Chúng tôi sẽ lấy nguồn ca khúc ở đâu để tập hợp? Điều này phải dựa vào nhu cầu thực tế của các đơn vị sản xuất - kinh doanh có nhu cầu muốn được sản xuất, phát hành, phổ biến những bài hát của các nhạc sĩ sáng tác tại hải ngoại để tránh tình trạng tác giả không có nhu cầu phổ biến tác phẩm của mình ở Việt Nam.
Khi một đơn vị có chức năng phát hành và muốn phổ biến bài hát nào, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để bài hát đó được phổ biến đến công chúng. Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước không nên tự động thống kê, tự động cấp phép phổ biến cho những ca khúc của các tác giả ở hải ngoại. Khi nào những tác giả này có nhu cầu phổ biến sáng tác của mình ở Việt Nam và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về bản quyền tác phẩm, lúc đó chúng ta mới xem xét.
ÔNG NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG, CỤC TRƯỞNG CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN:
Thực hiện trong nhiều năm
Việc cấp phép phổ biến cho ca khúc trước năm 1975 và ca khúc của các tác giả người Việt sáng tác ở hải ngoại là chủ trương đúng đắn của Nhà nước cần sớm thực hiện. Việc cấp phép này cũng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện nay.
Quá trình thực hiện thu thập cũng phải dựa vào những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn. Chính vì thế, cục đề nghị các sở tập hợp ca khúc bằng cách gửi thông báo cho các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để họ tập hợp lại, sau đó gửi về Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục để thẩm định và đưa lên website của cục. Để bảo đảm tính khả thi của chủ trương này, cục cũng sẽ cử cán bộ đến địa phương (chủ yếu là TPHCM) thu thập ca khúc và yêu cầu nhạc sĩ cung cấp danh mục ca khúc của họ.
Việc thẩm định số lượng ca khúc có thể lên đến hàng vạn bài, đây là một quá trình lâu dài, bền bỉ, làm thường xuyên. Thực tế, chúng ta không thể thu thập ngay một lúc được hàng ngàn bài hát. Căn cứ vào lượng tác phẩm nhận được, chúng tôi sẽ tổ chức thẩm định ngay. Có thể có 5-10 ca khúc là hội đồng thẩm định sẽ làm việc rồi. Đây không phải là việc làm 1 tháng, 2 tháng mà nhiều năm.
|
Bình luận (0)