Thời gian dài qua, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên mạng và di động gây nhiều tranh cãi. Ông Trần Chiến Thắng - Chủ tịch hiệp hội ghi âm Việt Nam cho biết: “Ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên mạng và di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ”.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, để chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền này, đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí tải nhạc. Từ đó có thể tái nguồn thu để nuôi sống và phát triển nền âm nhạc.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đơn vị phân phối âm nhạc trực tuyến lớn: Zing, Nhaccuatui, Socbay.com... đã ký kết với MVCorp thỏa thuận hợp tác và dự kiến sẽ đồng loạt thu phí vào ngày 1-11 năm nay với mức dự kiến 1.000 đồng/lần tải nhạc hoặc thu theo thuê bao hằng tháng (việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí). Đồng thời, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cũng công bố MVCorp là đối tác duy nhất đại diện cho hiệp hội trong việc quản lý quyền trên lĩnh vực mạng và điện thoại di động.
Ông Phùng Tiến Công - Phó Tổng giám đốc MVCorp cho biết “Với vai trò là đơn vị cung cấp bản quyền âm nhạc lớn nhất hiện nay, MV Corp mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng những dịch vụ âm nhạc tốt hơn. Người tiêu dùng sẽ nhận được một nguồn nhạc phong phú, chất lượng, đầy đủ bản quyền đồng thời góp phần tái đầu tư cho nền âm nhạc Việt Nam, giúp các nghệ sĩ có thêm kinh phí hoạt động và cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn. Chúng tôi tự tin từ nay đến năm 2014 sẽ có 10% số người nghe nhạc trả tiền bản quyền" - Ông Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc MVCorp cho biết.
Với sự hỗ trợ của Thông tư liên tịch số 07 của Bộ Thông tin truyền thông và Bộ VH-TT-DL có hiệu lực từ 6-8 vừa qua, các đơn vị sản xuất và phân phối âm nhạc trực tuyến tin tưởng và có khả năng ngăn chặn các dịch vụ nhạc trực tuyến vi phạm bản quyền.
Theo thống kê do công ty MVCorp thực hiện dựa trên nhiều nguồn, Việt Nam có hơn 150 trang web kinh doanh nhạc số vi phạm bản quyền, hầu hết trong số các trang web đó đều không được cấp phép trong việc cho người dùng tải về các sản phẩm âm nhạc.
Việt Nam có đến ¼ dân số (hơn 20 triệu người) thường xuyên truy cập vào các trang web trực tuyến tải và nghe nhạc. Tuy nhiên, chỉ có 5% trong số đó đồng ý trả tiền, 85% không trả tiền và số còn lại đang phân vân giữa trả tiền hay không. |
Bình luận (0)