Bị ăn cắp bản quyền trắng trợn nhưng các hãng sản xuất đĩa nhạc, các ca sĩ bỏ tiền đầu tư sản phẩm ghi âm âm nhạc cứ phải ngậm đắng nuốt cay bao năm nay vì có lên tiếng thì cũng không ai bảo vệ họ.
Bỏ ngỏ quản lý nhiều năm
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 150 trang web âm nhạc, mỗi trang đều có dịch vụ cho tải về các tác phẩm nhạc số. Phổ biến nhất và có lượng truy cập, tải về nhiều nhất hiện nay là mp3.zing.vn; nhaccuatui.com; nhacso.net; baamboo.com; sonic.vn; yeuamnhac.com; pops.vn; socbay.com;
nhacvui.vn...
Trong số này có rất ít trang ký kết hợp đồng sử dụng bản quyền bản ghi âm tác phẩm âm nhạc qua Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam nên việc vi phạm bản quyền bản ghi âm công nghiệp tác phẩm âm nhạc trong nhạc số khá phổ biến, chưa kể có đơn vị ký kết nhưng không thực hiện việc trả phí. Nhất là hiện nay vì số chương trình do các đơn vị sản xuất thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam bỏ vốn đầu tư không nhiều, chủ yếu do các ca sĩ tự bỏ vốn đầu tư, lấy giấy phép sản xuất từ các đơn vị này nên rất nhiều tác phẩm âm nhạc ghi âm được sử dụng trên các trang web âm nhạc gần đây không thuộc sở hữu quyền liên quan của các đơn vị thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam. Tình trạng ăn cắp bản quyền phổ biến và trắng trợn diễn ra từ lâu nay, làm giàu bất chính cho nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh các trang web âm nhạc này nhưng hầu như chưa được các cơ quan quản lý chức năng ra tay dẹp “loạn”.
Với những quy định cụ thể trong Thông tư liên tịch số 07, ca sĩ Lệ Quyên có thể khởi kiện
các trang web âm nhạc trực tuyến vi phạm quyền liên quan của mình. Ảnh: INTERNET
“Bùa” thông tư liên tịch
Để kéo trách nhiệm quản lý của 2 ngành vào trận địa này, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký kết Thông tư liên tịch số 07/ 2012 TTLT- BTTTT- BVHTTDL ngày 19-6, có hiệu lực từ ngày 6-8, “quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông”.
Với thông tư này, các trang mạng xã hội trực tuyến không thể đổ trách nhiệm xâm phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc của mình cho người sử dụng như lâu nay.
Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian 1. Lưu trữ nội dung thông tin số trong hệ thống cung cấp dịch vụ của mình chỉ mang tính chất trung chuyển, tạm thời, tự động, có thời hạn, đủ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của việc truyền tải nội dung thông tin số. 2. Chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan. 3. Gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. 4. Cung cấp các thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số, trang thông tin điện tử và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác. 5. Chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan trong các trường hợp sau: a) Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và internet mà không được phép của chủ thể quyền; b) Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền; c) Cố tình hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; d) Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có. ...
(Trích điều 5 Thông tư liên tịch 07/2012 _TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19-6-2012) |
Bình luận (0)