Sự trở lại của nhóm MTV trên thị trường âm nhạc được đánh giá là khá thành công với một số ca khúc hit (ăn khách), trong đó gây chú ý thời gian gần đây là ca khúc Chuyện thằng say (sáng tác: Anh Tuấn). Thế nhưng, thay vì sung sướng bởi điều đó, tác giả ca khúc lại chia sẻ: “Đó chỉ là một ca khúc viết cẩu thả, cho vui nhưng không ngờ nó lại được công chúng ưa thích đến thế. Tôi thật sự buồn vì điều này”.
Thích không có nghĩa là hay
Quả thật, có những ca khúc “ăn khách” người nghe có am hiểu chuyên môn không thể không đặt câu hỏi. Một trong những ca khúc được khán giả trẻ yêu nhạc cực kỳ thích thú thời gian qua là Thu cuối của 3 giọng ca Yanbi, Hằng Bingboong và Mr T.Điều. Không thể phủ nhận là ca khúc mang phong cách rap/hiphop này lạ tai và nổi bật bởi sự sôi động, hiện đại. Một dạo, ca khúc Thu cuối (dù chỉ được phát hành trên mạng) vẫn trở thành “hiện tượng”, đến mức khắp các quán bar, khán giả trẻ có thể hát theo một cách thuần thục. Tại chương trình truyền hình The Voice - Giọng hát Việt, khi Hằng Bingboong (Thanh Hằng) chọn ca khúc này thể hiện trong phần tranh tài của mình, khán giả ở đây mặc sức hò reo ủng hộ dù không thể nghe giọng ca này hát gì ngoài vài từ được lặp đi lặp lại nhiều lần ở phần điệp khúc. Tất nhiên, với khán giả thế hệ 9X, nhiều người không cần có sự cảm nhận sâu sắc nội dung bài hát, ý nghĩa ca từ. Thế nhưng, “nghệ thuật đòi hỏi những chuẩn mực nhất định về sự tinh tế” như lời nhạc sĩ Minh Châu nói. Đây chính là điều tạo nên sự khác biệt khá rõ rệt giữa những ca khúc được xem là “ăn khách” thời nay và ca khúc ăn khách của thời trước.
Nghe nhạc “thời trang”
Sự thăng hạng của một số ca khúc trên các bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay rõ ràng chỉ nhờ “nghe thấy vui vui, là lạ” đối với giới trẻ yêu nhạc là chính. Một tác phẩm âm nhạc đích thực với chất lượng chuyên môn cao, ý nghĩa ca từ sâu sắc... gần như bị gạt bỏ ngoài sở thích của một bộ phận không nhỏ công chúng trẻ nghe nhạc. Đây cũng chính là lý do vì sao một số ca khúc dù không hay nhưng lạ tai được lan truyền nhanh nhất, trở thành ca khúc “ăn khách” trên thị trường âm nhạc thời gian qua. Trong đó có thể kể đến như Người cô đơn (Khắc Việt), Điều ngọt ngào nhất (Nguyễn Hồng Thuận), Fly (Dương Khắc Linh)… Thậm chí, những lời ca nghe càng “thực tế”, đôi lúc cứ như văn nói càng được hoan nghênh. Ca từ càng vui càng thực tế kiểu: “Cày tiền để em hằng ngày sắm quần áo/ Đến khi anh sạt nghiệp vẫn ráng lo em chu đáo/ Làm mọi thứ để nuôi em ngay cả làm “trai bao”/ Cuối cùng tiền cũng làm em mù lòa/ Anh thì ra rìa, em bỏ theo người ta/ Em bỏ theo đại gia, chạy theo lối sống xa hoa/ Khi tiền không đủ xài, em lại lén đi “làm gà”… (trích ca khúc Nói chung là) càng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn mạng. Rõ ràng, những ca khúc kiểu này đã đánh trúng sở thích của một số người.
Thực tế cho thấy những ca khúc “ăn khách” này cũng có đời sống ngắn ngủi, giới chuyên môn gọi là “ca khúc thời trang”, tương tự Vọng cổ teen từng “làm mưa làm gió” trên các trang mạng, trên nhạc chuông, nhạc chờ rồi nhanh chóng bị quên lãng.
Điều đáng nói là khi một bộ phận không nhỏ công chúng yêu nhạc chạy theo thứ âm nhạc chỉ thỏa mãn yếu tố lạ thì thị trường âm nhạc trở nên méo mó. Cả người sáng tác lẫn người hát cũng bị cuốn theo vòng xoáy của người thưởng thức.
Kỳ tới: Ca sĩ quay mòng mòng
Bình luận (0)