Tham dự cầu truyền hình có đại diện lãnh đạo TPHCM, Phú Yên và Cà Mau, lãnh đạo tàu không số, cựu chiến binh, lực lượng biên phòng, hải quân, đoàn đại biểu các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bến Tre… Đặc biệt, ở đầu cầu Vàm Lũng, Cà Mau nhiều bà con địa phương đã đến tham dự.
Giao lưu tại cầu truyền hình TP.HCM. Ảnh chụp màn hình
Trong không khí trang nghiêm, những thước phim tư liệu về đoàn tàu không số đã gợi sự xúc động cho toàn khán đài. Tất cả im lặng để nhớ về những chiến công huyền thoại của những người anh hùng đối mặt với khó khăn nơi biển cả chuyên chở vũ khí đến chiến trường miền Nam.
Đại tá Bùi Tiến Thành, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125 cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng chiến công anh hùng và sự hy sinh mãi là trang sử hào hùng của dân tộc. Sự hy sinh đã trở thành bất tử cho các lớp đời sau trân trọng. Cùng với đường Hồ Chí Minh ở trường sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân ý chí, quyết chiến toàn dân toàn quân”.
Trong đêm trùng phùng sau 50 năm của những nhân chứng lịch sử, khán giả được dịp nghe ông Ngô Văn Tân, người còn lại cuối cùng của con tàu Phương Đông 1, đã mở luồng ra Bắc và đưa chuyến tàu vũ khí vào Nam tại Vàm Lũng chia sẻ: “Nội dung, phim ảnh, sách vở nói nhiều về chiến công huyền thoại của đoàn tàu không số. Tôi theo chỉ thị của Trung ương tìm đường ra Bắc để tiếp nhận vũ khí chi viện cho miền Nam. Sau chuyến đi đầy vất vả, chúng tôi đã chở 30 tấn vũ khí đầu tiên cập bến Vàm Lũng”
Những chuyến đi nối tiếp chuyến đi, khó khăn và thử thách thì vô cùng. Thuyền trưởng Nguyễn Sơn của đoàn tàu không số ở Bà Rịa – Vũng Tàu kể lại: “Năm 1960-1961 chiến trường miền Nam rất cần sự chi viện vũ khí. Trong các đoàn tàu ra Bắc, tàu chúng tôi nhỏ nhất lại đi mùa gió chướng. Thuyền bị phá nước nên tấp vào bờ thì lọt vào Cam Ranh bị thủy quân lục chiến bắt. Ra tù, chúng tôi đi tiếp thì thùng đựng nước bị chảy. Không còn nước, chúng tôi uống nước mặn, nước tiểu để cầm cự. Sau đó, chúng tôi tìm cách lọc nước và liếm những giọt sương đóng trên nắp vung. 23 chuyến vận chuyển vũ khí là 23 lần thử thách, căng thẳng từng giây từng phút”.
Bên cạnh khó khăn về thiên tai, có nhiều lúc gặp địch những người chiến sĩ phải tận lực chiến đấu. Ông Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu không số kể lại: “Tàu chúng tôi 3 lần cập bến thành công và chuyên chở 200 tấn vũ khí. Có lần, tàu tôi gặp 2 tàu chiến, súng địch hướng vào, đấu trí dữ dội. Chúng tôi lập tức mang cá, mực trên lên tàu, đưa những chai rượu lên để địch không nghi ngờ”.
Lãnh đạo TPHCM tặng hoa cho nguyên thuyền trưởng Đặng Bá Tiên (bìa trái) và cán bộ
ủy viên Nguyễn Văn Đức (thứ 3 từ trái sang) sau buổi giao lưu tại đầu cầu TPHCM. Ảnh: Xuân Thảo
Nhiều lúc, địch không bỏ đi mà tấn công khốc liệt và trong những tình huống bất khả kháng, những người chiến sĩ đành phải hủy tàu. Theo lời kể của thuyền trưởng tàu không số Huỳnh Văn Tiến “sự cố Vũng Rô” xảy ra khi tàu cố gắng bốc hàng, nhổ neo ở Vũng Rô. Vũ khí đã dỡ xong nhưng tàu không di chuyển được vì địch theo dõi. Trực thăng đánh bằng bom xăng, bom miểng, các chiến sĩ trên tàu chống trả lại. Sau thời gian cầm cự, thấy tình hình không ôn, chúng tôi tự phá tàu mình. Hủy tàu để địch không chiếm được, hủy tàu để bảo vệ bí mật quân sự nhưng nỗi đau phải rời xa con tàu thân yêu mà mình và đồng đội đã gắn bó thì không bút mực nào tả xiết.
Cuộc chiến nào cũng sẽ khó khăn nếu không có sự trợ giúp hết lòng của nhân dân. Và trong cuộc chiến trên biển thì tình quân dân là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh, chiến thắng. Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 (đơn vị quản lý các bến tiếp nhận hàng hoá bằng đường biển từ Bắc vào) tâm sự: “Bến Vàm Lũng tiếp nhận nhiều con tàu không số chở vũ khí từ Bắc chi viện chiến trường miền Nam. Trong suốt thời gian đó, nhờ bà con bám trụ rừng đước, kiên trung bảo vệ nên căn cứ trụ vững”.
Điểm nổi bật của tình quân dân còn có câu chuyện xúc động về tình cảm của mẹ Mười, người mẹ đã sẵn sàng tặng 10 lượng vàng cho cách mạng để mua tàu. Không chỉ tặng vàng, mẹ Mười còn cho người con trai Lê Hà theo tàu ra Bắc xin vũ khí trợ chiến miền Nam. Những người chiến sĩ trong tàu 43 cũng không thể quên sự giúp đỡ của người dân Đức Phổ khi tàu bị địch tấn công và đa số thuyền viên đều bị thương…
Nghe những câu chuyện xúc động, những lời kể từ chứng nhân của lịch sử, chiến tích thần kỳ của con người Việt Nam như được khơi gợi. Đêm tôn vinh thế hệ cha ông còn là một lời nhắn nhủ để những thế hệ kế thừa cần cố gắng, phấn đấu hơn nữa trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
50 năm huyền thoại bến Vũng Rô
Thả vòng hoa tưởng niệm tại bến Vũng Rô
Chiều 11-10, tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, bến Vũng Rô thuộc xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà.
Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên nhấn mạnh: “Đường Hồ Chí Minh trên biển và bến tàu không số Vũng Rô nói riêng đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam”
Tại buổi lễ, hàng ngàn cán bộ và nhân dân đã đến dâng hương và thả vòng hoa để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Trung tá Hồ Đắc Thạnh, người vừa được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân vào ngày 10-10, là thuyền trưởng tàu 41 từng ba lần cập bến Vũng Rô xúc động nói: “Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường huyền thoại kết tinh ý chí sắt thép của Đảng và nhân dân ta. Tôi tin ý chí đó sẽ được thế hệ hôm nay và mai sau hun đúc”
Hồng Ánh
|
Bình luận (0)