Chân dung vị trung tá này vừa được đạo diễn Trần Vịnh lấy làm nhân vật chính cho bộ phim truyền hình dài 5 tập Những người lính biển
Lúc Hồ Đắc Thạnh chuẩn bị vào lớp nhất để thi primaire thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở thị xã Tuy Hòa. Vậy là cậu bé Thạnh xếp bút nghiên tham gia đoàn biểu tình chống Pháp đi diễu hành khắp phố phường. Sau một thời gian làm trinh sát cho thị đội Tuy Hòa, ông vào lực lượng bộ binh chính quy và tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng, chuyến tàu thứ 7 xuất phát từ cảng Quy Nhơn.
Tập làm lính biển
“Tôi đặt chân lên đất Thanh Hóa ngày 19-5-1955 và được biên chế vào trung đoàn 90, sư 324 đóng tại thị trấn Còng của huyện Tĩnh Gia” – ông kể. Sau khi cùng sư đoàn hành quân về Đô Lương (Nghệ An) và xây dựng doanh trại tại đây, Hồ Đắc Thạnh được điều về trường huấn luyện hạ sĩ quan của sư đoàn để đào tạo. Ông nhớ rõ: “Giữa năm 1958, khi tôi đang học được nửa khóa đào tạo trung đội trưởng thì được Quân chủng Hải quân về tuyển chọn. Chúng tôi được đưa xuống Hải Phòng và theo yêu cầu của Cục Phòng thủ bờ biển (tiền thân của Bộ Tư lệnh Hải quân), anh em phải đi tuyển thêm quân về đào tạo hải quân”.
Tại Hải Phòng, Hồ Đắc Thạnh đã trải qua nhiều khóa huấn luyện đào tạo từ hàng hải đến phóng ngư lôi và những chiến thuật chiến đấu khác trên biển. Đầu năm 1960, khi Trường Sĩ quan Hải quân được thành lập tại Quảng Yên, thuyền trưởng dự bị tàu phóng lôi Hồ Đắc Thạnh được điều về làm học viên trường này, phụ trách một lớp đào tạo sĩ quan hải quân thuộc đại đội 3.
Vào Nam bằng những chiếc tàu không số
Tàu 41 anh hùng (ảnh tư liệu của hải quân Mỹ) |
“Tôi học tại đây chưa xong thì được Bộ Tổng Tham mưu chọn về Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân bây giờ) cùng với 3 đồng chí khác cũng là mấy anh em miền Trung tập kết. Lúc đó không biết mình được chuyển lên “trên” để làm gì. Chỉ thấy xe chạy thẳng lên Hà Nội, chui vô nhà 83 Lý Nam Đế và chúng tôi được phục vụ theo chế độ... biệt phòng. Ăn uống rất chất lượng, được phục vụ văn nghệ, chiếu phim tại chỗ... Nói chung là sướng như tiên. Nhưng điều “đau khổ” nhất là không được phép đi ra ngoài, không liên lạc với bất kỳ ai bằng bất kỳ hình thức nào. “Ăn chơi” chừng một tháng, chúng tôi được đưa lên xe bít bùng chở đi...” – dòng chảy hồi ức của người trung tá về hưu 70 tuổi tuôn trào.
Ông Thạnh và những đồng đội của mình sau đó mới biết địa chỉ mới mà họ được đưa đến là Đồ Sơn. Tại đó, ông mới biết rằng mình được “nghỉ dưỡng” để chuẩn bị tham gia vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam theo đường biển. Ông được bổ sung vào đội tàu 54, làm thuyền phó. Chiếc tàu đó có lượng giãn nước 100 tấn, khả năng chở từ 60-80 tấn hàng. Biên chế của tàu gồm 21 người, được trang bị 4 khẩu pháo và đầy đủ vũ khí cá nhân. Những chuyến tàu chở vũ khí đó được đặt cho tên gọi trìu mến nhưng hào hùng là “tàu không số”. Trung tá Hồ Đắc Thạnh giải thích lý do đưa đến tên gọi này: “Thực tế mỗi tàu đều có số, có tên hẳn hoi. Nhưng để bảo đảm bí mật, những chiếc tàu khi rời hoặc trở về nơi xuất phát đều không còn số hiệu. Trên mỗi tàu có hàng chục số hiệu và đủ loại cờ đa quốc gia. Tùy hoàn cảnh thực tế mà chúng tôi quyết định treo cờ nào, số hiệu nào cho hợp pháp để không bị phát hiện. Ngay cả màu sơn của tàu, chỉ cần một thời gian ngắn là đã có thể thay đổi được”. Những chiếc tàu tàng hình đó thường thực hiện hải trình của mình như một tàu đánh cá, đi ngoài hải phận quốc tế, đến đêm mới tìm cách liên lạc để vào “bến”.
Tối 12-9-1963, cùng với những chiếc tàu khác, tàu 54 đã nhổ neo, khởi đầu cho những chuyến đi huyền thoại của những con tàu không số nổi tiếng theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển vào thẳng chiến trường miền Nam. Sau khi làm thuyền phó cho tàu 56 đưa vũ khí vào Bến Tre (cuối tháng 12-1963), Hồ Đắc Thạnh trở thành thuyền trưởng tàu 41, vận chuyển tổng cộng 10 chuyến hàng vào Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Vũng Rô (Phú Yên), Quảng Ngãi... giai đoạn từ 27-12-1963 cho đến tháng 2-1970.
Về Vũng Rô yêu thương
Đó là đầu tháng 11-1964. Sau một chuyến “hàng” thành công từ Cà Mau trở về, ông Thạnh được Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân thông báo kế hoạch đưa vũ khí vào chiến trường khu 5, nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt nhưng rất thiếu thốn vũ khí. Địa điểm ưu tiên số 1 là Vũng Rô, vùng biển cực Nam Phú Yên, quê nhà của Hồ Đắc Thạnh, một vịnh nước sâu, kín gió nằm dưới chân đèo Cả, gần đường sắt và đường bộ. Đó là chuyến đi được dự báo là hiểm nguy, bởi địa điểm này rất dễ bị địch phát hiện, cũng không có nơi trú ẩn an toàn, lại chỉ có một cửa ngõ ra biển Đông duy nhất là khoảng giữa Mũi Điện và Hòn Nưa, mà nếu địch dùng tàu chặn thì coi như không còn đường ra. Thêm nữa, hệ thống ra-đa Cù lao Ré và Chóp Chài gần như “quét” mọi ngóc ngách trên địa bàn. “Sau khi nghiên cứu kỹ hải đồ và tính toán chi tiết, Bộ Tư lệnh quyết định chỉ đưa tàu vào lúc giữa đêm, tiến hành bốc dỡ vũ khí ngay và quay trở ra hải phận quốc tế vào lúc 3 giờ sáng” – ông Thạnh nhớ lại. Đó là phương án tối ưu, bởi nếu ở miền Nam, những rừng đước rừng tràm rậm rịt chính là nơi “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, đưa tàu vào vô tư nghỉ ngơi hát hò rồi vô tư ra; còn ở đây chỉ có biển và núi.
“Chuyến vào Vũng Rô đầu tiên khá căng thẳng. Đang mùa đông mà biển rất êm, đó là điều khiến mọi người trên “tàu không số” 41 hết sức lo lắng. Với chúng tôi, biển động mới là điềm tốt. Ngày cuối cùng trong hành trình, điều lo lắng ấy thành sự thật. Đầu tiên, một máy bay P3B lượn qua lượn lại trên đầu, dù chiếc tàu chúng tôi đã treo cờ ba que (cờ của chế độ Sài Gòn) và anh em thủy thủ giả vờ làm ngư dân giơ mực khô và rượu như muốn mời “bạn” xuống nhậu. Chừng 15 phút sau, chiếc trực thăng bay thẳng vô đất liền. Nhưng không lâu sau đó, hai chiếc tàu địch bám theo. Mỗi chiếc một bên kèm tàu, toàn bộ thủy thủ đã được lệnh chuẩn bị chiến đấu. Chúng theo tàu chúng tôi khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng không thấy có động tĩnh gì đáng nghi ngờ nên đã lẳng lặng bỏ đi” – trung tá Thạnh kể. Đêm ấy, tàu vào Vũng Rô, bắt được liên lạc với Tỉnh ủy Phú Yên. Đặt chân lại mảnh đất quê hương, gặp lại những người bạn, người anh năm cũ, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh không cầm được nước mắt. “Tình cảm quê hương to lớn và thiêng liêng khiến tôi không muốn dời chân. Lúc đó, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền cũng ràn rụa nước mắt, phần vì xúc động, phần vì lo không biết làm thế nào để đưa hết số vũ khí 80 tấn (vì Phú Yên chỉ “xin” có 30 tấn). Mệnh lệnh là không được để tàu ở lại bởi trời sáng là rất nguy hiểm, nếu hàng chưa dỡ xong, chỉ có cách là chạy ngược ra hải phận quốc tế, sau đó đợi tối mới quay vô. Nhưng sau khi bàn bạc, tôi quyết định cho ngụy trang tàu để hôm sau dỡ hàng tiếp”.
Sau chuyến về quê “đột phá khẩu” đó, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng tàu 41 và thủy thủ đoàn còn vào Vũng Rô 2 lần nữa, vào cuối năm 1964, đầu 1965. “Kỷ niệm chuyến vào Vũng Rô thứ hai của tàu chúng tôi là ngoài vũ khí còn có 3 tấn gạo tám thơm từ miền Bắc chở vào. Còn chuyến đi thứ ba thì chúng tôi được lệnh vào đúng giao thừa sang năm 1965. Trong suốt đời làm lính tàu không số, đó là lần duy nhất tôi và anh em được ăn Tết trên đất liền quê nhà! Chuyến đi đó, chúng tôi chở theo trong hầm vũ khí 30 chiếc bánh chưng, 10 gói kẹo, 5 gói chè, 20 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào Nhật Tân. Tất cả đều không có nhãn hiệu như là con tàu của chúng tôi” – trung tá Thạnh như đang quay về thời 40 năm trước.
Chuyến tàu thứ 4 vào Vũng Rô không phải là tàu 41 của Hồ Đắc Thạnh, mà là tàu 143 của thuyền trưởng Lê Văn Thêm. Theo kế hoạch, tàu này vào bến Lộ Diêu của Bình Định, nhưng do bến không đủ nước nên mới cơ động vào Vũng Rô của Phú Yên. Hành trình bị chậm, ngụy trang không kỹ, tàu bị máy bay địch phát hiện và tập kích bắn phá, buộc ta phải hủy tàu. Kể từ sau “sự kiện Vũng Rô”, theo lời trung tá Thạnh, hành trình của những con tàu không số trở nên vô cùng gian khổ và nguy hiểm. “Địch bắn phá bất cứ chiếc tàu nào mà chúng nghi ngờ, nhiều tàu và chiến sĩ hy sinh là trong thời gian này. Về sau, chúng tôi phải đi vòng lên hướng biển Trung Quốc, sang hải phận các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, vào Vịnh Thái Lan rồi mới cập bến được vào Cà Mau”.
Lính biển cũng phải lội ngược Trường Sơn
Những chuyến tàu không số nào đáng nhớ nhất? - chúng tôi hỏi người lính biển - trung tá Thạnh. Ông nói rằng đó là chuyến đi thứ 7, tàu 41 chở vũ khí vào Bến Tre, bị mắc cạn ở đảo Hoàng Sa mà vẫn đến nơi an toàn. Đó là chuyến đưa hàng vào Quảng Ngãi cuối năm 1966.
Tàu 41, với những thành công vang dội trước đó, đã được chọn để làm thí điểm tàu sắt chở vũ khí vào vùng biển bãi ngang miền Trung. Lúc bấy giờ, để vào được bãi ngang, ngư dân đánh cá chỉ sử dụng một loại phương tiện duy nhất là bè mảng làm bằng những luồng cây nứa ghép lại để không bị cát “hít” và sóng biển nhấn chìm. Vì lẽ đó, chuyện đưa tàu sắt nặng 100 tấn vào bãi ngang được coi là quyết định táo bạo, nhưng đó cũng là yếu tố gây bất ngờ cho địch. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bỏ vũ khí vào những bao ni lông cột chặt, đính vào đó những phao nổi và thả ở vùng biển gần bờ, để từ đó người của bến sẽ bơi ra lấy. Khi chúng tôi đã đưa 2/3 hàng hoàn tất thì tàu bị sóng đánh cong chân vịt, không thể cơ động được. Mà lúc đó thì trời đã gần sáng, bên ngoài có 2 tàu địch đang lởn vởn hòng bắt sống tàu ta. Chúng tôi đành phải dùng bộc phá phá tàu, bơi vào bờ, đi bộ ngược lên đường Trường Sơn, quay lại Hải Phòng và tiếp tục làm những người lính biển...
Từ chối đề nghị phong anh hùng
Sau 1975, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh tiếp tục công tác trong ngành hải quân, với chức Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân Việt Nam cho đến 1984 thì xin nghỉ hưu sớm... Ông có đến 2, đúng ra là 3 lần, được đề nghị phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Khi tiễn tàu 41 thí nghiệm vào bãi ngang ở Quảng Ngãi, ông đã được đề nghị phong anh hùng tại Đại hội Thi đua toàn quốc năm 1966. Tuy nhiên, khi ông về lại đơn vị thì không nghe nhắc đến chuyện này nữa. Cho đến năm 2001, và mới đây là năm 2004, ông lại được đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý đó. “Cả hai lần tôi đều viết thư gởi Bộ Tư lệnh Hải quân, cám ơn vì đã được quan tâm, nhưng tôi muốn dành danh hiệu đó để tặng cho các liệt sĩ, đồng đội tôi đã xả thân vì đất nước. Riêng tôi, còn sống để chứng kiến đất nước thay da đổi thịt sau 30 năm giải phóng đã là điều rất mãn nguyện rồi” – ông nói chân thành như vậy.
Anh hùng: “Tàu 41 là một tập thể trung kiên, nêu cao truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân, bền bỉ chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bình tĩnh dũng cảm vượt qua mọi nguy hiểm, mưu trí, táo bạo quyết giành thắng lợi, lập công xuất sắc, xây dựng đơn vị lớn mạnh về mọi mặt”. (Trích lời tuyên dương của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho tàu 41, ngày 11-1-1973) |
Bình luận (0)