Thông tin hơn 600 loại sữa bột giả vẫn còn dậy sóng dư luận thì mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với hàng chục ngàn sản phẩm bị thu giữ. Điều khiến người dân phẫn nộ là không ít trong số đó là những sản phẩm giả danh chức năng như tăng cường miễn dịch, phát triển trí não, hỗ trợ điều trị bệnh nhưng thực chất chỉ là những hợp chất không rõ thành phần, được đóng gói đẹp đẽ, bán công khai.
Tội ác phải bị trừng phạt
Nạn nhân? Là trẻ em non nớt, người già yếu, người bệnh đang điều trị. Còn gì nhẫn tâm hơn? Có thể gọi đó là "tội ác", hay đúng hơn là "giết người có tổ chức". Khi hành vi được thực hiện trong thời gian dài, với số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng trăm tỉ đồng, khiến hàng loạt người vô tội bị đầu độc, thì không thể chỉ dừng ở phạt hành chính, thu hồi sản phẩm, xử phạt vài ba năm tù. Cần những bản án nghiêm khắc chung thân, thậm chí tử hình, nếu hành vi có dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe cộng đồng.

Nhóm đối tượng trong đường dây sản xuất thuốc giả cực "khủng" được Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Điều đáng nói hơn nữa chính là dù sản xuất thuốc, phân phối sữa không phải như buôn rau bán cải. Từ quá trình sản xuất đến tay người tiêu dùng, mỗi sản phẩm đều phải trải qua nhiều khâu: cấp phép lưu hành- kiểm định chất lượng- sản xuất- phân phối- bán lẻ- tiêu dùng. Về lý thuyết, từng mắt xích đều cần có giám sát và truy xuất minh bạch nhưng thực tế, khâu lỏng lẻo nhất chính là kiểm tra chất lượng và kiểm soát phân phối. Đây là khâu mà các đối tượng sản xuất hàng giả tận dụng để trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là thông qua các sàn thương mại điện tử, hàng xách tay, thậm chí cả nhà thuốc có giấy phép.
Vấn đề không nằm ở một vài doanh nghiệp làm ăn phi pháp, mà nằm ở chỗ: vì sao chúng có thể tồn tại, phát triển, thậm chí phân phối rộng khắp qua các kênh bán hàng online và cả… hiệu thuốc hợp pháp?
Câu hỏi đặt ra: Ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm khi để "con voi chui lọt lỗ kim" như thế? Việc cấp phép chỉ dựa vào hồ sơ giấy tờ hay đã qua thử nghiệm, giám sát minh bạch, khách quan? Việc kiểm định với những doanh nghiệp chỉ trong vài năm có thể cho ra đời hàng trăm dòng sản phẩm "chức năng" được tiến hành ra sao? Tiêu chuẩn kỹ thuật đầu vào cho nhà thuốc, quầy bán thực phẩm chức năng được quy định thế nào hay chủ yếu được thiết lập trên… lòng tin?
Phải nhìn thẳng hệ thống giám sát còn lỏng lẻo, hàng rào kỹ thuật còn yếu kém, công nghệ truy xuất nguồn gốc chưa đồng bộ và quan trọng nhất thiếu cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm.
Không hành động hôm nay, ngày mai sẽ quá muộn
Trước những vụ việc gây rúng động, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm quản lý, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đây là điều cấp thiết, phải làm ngay, vì quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng và niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhưng quan trọng hơn chính là phải gắn trách nhiệm đến tận cùng: từ người ký duyệt hồ sơ, người phụ trách giám sát chất lượng, đến chủ cơ sở phân phối. Không thể để tình trạng "đá bóng trách nhiệm" tồn tại như lâu nay khi người dân phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí sinh mạng.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả. Ảnh: VTV
Ngoài ra, các hiệu thuốc, sàn thương mại điện tử, siêu thị, cơ sở bán hàng online cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để sản phẩm giả lưu thông. Không có sự tiếp tay, dễ dãi từ những "chốt chặn cuối cùng", hàng giả đã không thể qua mặt người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người dân cần được cung cấp công cụ tự bảo vệ mình: hệ thống tra cứu sản phẩm minh bạch, cảnh báo thời gian thực, công cụ quét mã vạch xác thực... Quan trọng hơn, là giáo dục nhận thức cộng đồng, nâng cao khả năng phân biệt sản phẩm, tránh tin vào những quảng cáo "màu mè như thần dược".
Không thể cứ mãi "giật mình sau mỗi vụ việc". Hậu quả là thật và người dân không thể chờ đợi thêm. Sự im lặng, chậm trễ hay né tránh trách nhiệm sẽ chỉ khiến thêm nhiều đứa trẻ phải uống "sữa giả để lớn lên", thêm nhiều người bệnh uống "thuốc dỏm để điều trị" và thêm nhiều mất mát không thể đong đếm bằng tiền bạc, mà bằng cả sinh mạng.
Bình luận (0)