Giá đồng tiền số vốn hóa đứng đầu thị trường này có thời điểm đạt 99.410 USD - gần chạm mức kỳ vọng cao nhất trong chu kỳ này là 100.000 USD.
Đã có làn sóng fomo (sợ bỏ lỡ) đổ xô vào thị trường khi giá của không chỉ Bitcoin mà nhiều đồng tiền điện tử khác cũng tăng chóng mặt - gấp 2-3 lần so với đầu năm 2024, thậm chí gấp đôi chỉ trong 1 tháng qua.
Ngành công nghiệp tiền số đến nay vẫn bị chỉ trích bởi mức sử dụng năng lượng và phát thải khí nhà kính cao. Bên cạnh đó còn là lo ngại về vấn đề tội phạm khi ít nhất 24,2 tỉ USD tiền điện tử đã được gửi đến các địa chỉ ví bất hợp pháp vào năm ngoái. Chưa kể, vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX cùng việc người sáng lập Sam Bankman-Fried bị bắt 2 năm trước cũng gây suy giảm niềm tin trầm trọng.
Tuy vậy, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của thị trường tiền số, nhất là trong mùa uptrend (tăng giá toàn thị trường) như hiện nay. Biên lợi nhuận cao và rất cao, hơn mọi kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, tiền gửi..., khiến nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cũng cực lớn.
Chưa có thống kê chính thức song thông tin từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về khối lượng giao dịch tiền mã hóa với tổng giá trị hàng chục tỉ USD. Các hội, nhóm trên mạng xã hội gần đây luôn nhộn nhịp bình luận về tiền số, rủ nhau đầu tư đợi "sóng thần" tăng giá.
Đầu tư vào tiền điện tử đang là xu hướng không thể cưỡng lại ở nhiều quốc gia. Châu Âu và nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... đã xây dựng chính sách, khung khổ pháp lý cho tài sản số. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng nên thay vì cấm cản, cần có quy định để vừa quản lý được thị trường, tăng nguồn thu thuế, ngăn chặn tội phạm vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư có môi trường đầu tư minh bạch, hợp pháp.
Năm 2017, Thủ tướng đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý về các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Nhưng phải 7 năm sau, đến tháng 2-2024, quyết định về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mới được phê duyệt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5-2025.
Từ nay đến tháng 5-2025 không còn nhiều thời gian. Trong khi đó, mùa tiền số uptrend đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới đổ xô vào thị trường béo bở này. Không có kinh nghiệm, không có pháp lý bảo vệ, đã có những người bị lừa đảo, bị "cháy" tài khoản chỉ trong thời gian ngắn.
Sức ép từ thực tiễn thị trường và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi cần xây dựng khung pháp lý cho các loại tài sản số càng sớm càng tốt. Việc này không chỉ nhằm tăng cường quản lý thị trường, bảo vệ nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo hoạt động, phát triển tại Việt Nam, qua đó hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành một điểm đến công nghệ trong khu vực. n
Bình luận (0)