Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm có từ 50-100 triệu người mắc và khoảng 24.000 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Riêng ở nước ta, từ đầu năm đến nay đã có trên 10.000 người mắc căn bệnh này.
Đây là bệnh dễ mắc, được lây truyền từ người này sang người khác do bị muỗi vằn (có tên khoa học là Aedes aegypti) chích. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Theo đó, hầu hết ca mắc được nhập viện tại các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 đều xuất phát từ các địa phương có môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển như các quận 8, Thủ Đức, Bình Tân; huyện Bình Chánh và các tỉnh lân cận khu vực TP HCM.
Một trong những lo ngại của ngành y tế hiện nay là dù bệnh có tính chất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, có thể gây tử vong (nhất là đối với trẻ nhỏ) nhưng lại chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, một người có thể bị mắc bệnh nhiều lần trong đời và theo nghiên cứu thì những lần nhiễm bệnh sau sẽ nguy hiểm hơn trước.
Có một cách rất đơn giản để phòng chống bệnh sốt xuất huyết là giữ vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống. Trong năm 2014, thông điệp ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết đưa ra là “Mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng”. Như vậy, việc vệ sinh sạch sẽ, thoáng đãng nơi ở, đậy kín các lu, bể chứa nước, thả cá bảy màu diệt lăng quăng, lật úp các vật dụng chứa nước khi không còn sử dụng để muỗi không có nơi đẻ trứng hay chỉ một việc làm rất nhỏ là thay nước thường xuyên các lọ hoa cắm trong nhà cũng là một hành động giúp phòng chống sốt xuất huyết. Thiết nghĩ, đây là việc làm rất đơn giản nhưng vô cùng thiết thực đối với mỗi gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, một lưu ý rất quan trọng là khi trẻ bị sốt hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết thì nên đưa đi khám để được chẩn đoán chính xác. Không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc để tránh trường hợp bệnh trở nặng và ngộ độc thuốc. Tuyệt đối không hạ sốt cho trẻ bằng phương pháp cắt lể để lấy bớt máu độc, không bắt gió, dùng chanh hay rượu chà khắp người. Cần tránh suy nghĩ trẻ hết sốt là hết bệnh bởi khi mắc sốt xuất huyết, dấu hiệu hết sốt lại là lúc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn và việc điều trị sẽ gặp khó khăn, có nguy cơ tử vong cao.
Bình luận (0)