Ngày 30-5, Bệnh viện Nhi trung ương, tại Đơn vị bỏng - Khoa Chỉnh hình của bệnh viện vừa tiếp nhận 3 trẻ từ 2-3 tuổi bị bỏng nặng và hoại tử da do bàn tay chà xát mạnh, mài vào dây curoa của máy chạy bộ tại nhà.
Trong 3 trẻ này, có 2 trẻ (ở Hà Nội và Nghệ An) bị bỏng bàn tay độ 3, có dấu hiệu nhiễm trùng. May mắn, 2 trẻ này được cấp cứu kịp thời nên tình hình sức khỏe đã ổn định.
Chăm sóc vết thương cho bệnh nhi bị bỏng
Theo đó, trường hợp nhập viện gần đây nhất là bé trai N.M.K. (3 tuổi, ở Nghệ An). Gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện, anh trai bé M.K (đang học lớp 3) bật máy chạy bộ để tập thể dục.
Lúc này, bé K. đứng chơi bên cạnh anh đã vô tình làm rơi ti giả đang ngậm xuống phía dưới máy nên đưa tay lấy, khiến tay phải bị chà xát mạnh vào dây curoa của máy tập. Ngay sau tai nạn, bé K. được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương sơ cấp cứu, điều trị và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trường hợp còn lại là bé gái T.T. (3 tuổi, ở Hà Nội) bị bỏng nặng nhất. Theo gia đình bệnh nhi, bé T. sang nhà bác chơi. Thấy bác đang chạy bộ trên máy tập nên đã dùng tay nghịch máy. Hậu quả, bé bị bỏng ma sát ngón 2, 3, 4 của tay trái.
Đặc biệt, các ngón tay bị tổn thương sâu, lộ gần hết phần gân cơ. Sau khi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu nối gân cơ và phẫu thuật cắt lọc hoại tử. Sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng vết thương bỏng của bé đã cải thiện và lành dần.
Theo bác sĩ Phùng Công Sáng, phụ trách Đơn vị bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi Trung ương), máy chạy bộ tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thương cho trẻ em như trầy xước, bỏng, tổn thương lột da, dập nát gân cơ, gãy xương… Do đó, khi dùng máy chạy bộ, các gia đình nên đặt máy ở nơi an toàn để hạn chế trẻ đến gần, đặc biệt với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.
Bình luận (0)