Bạn đọc Nguyễn Huỳnh Trân (Đồng Nai) hỏi: Vào mùa hè, tỉ lệ gặp tai nạn ở trẻ em, đặc biệt là té ngã, đuối nước tăng cao. Thậm chí có cháu bé 3 tuổi tử vong khi té vào xô nước cao 50 cm. Khi gặp các trường hợp trẻ gặp tai nạn, sơ cứu thế nào để hạn chế thấp nhất tổn thương cho nạn nhân?
Chuyên gia Tony Coffey trả lời: Vào mùa hè, các tai nạn và thương tích thường xảy ra với trẻ em là tai nạn giao thông và tai nạn té ngã vì trẻ em có nhiều thời gian rảnh hơn và năng động hơn nhưng lại ít có sự giám sát của phụ huynh hơn.
Tùy thuộc vào chấn thương gặp phải, các quy trình sơ cứu khác nhau sẽ được áp dụng nhưng điều quan trọng là mọi người cần hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể thực hiện sơ cứu và tất cả mọi người đều nên biết cách sơ cứu khi cần. Mục đích của sơ cứu là ngăn chặn tình trạng của người bị nạn trở nên tồi tệ hơn để thúc đẩy việc chữa lành, cho dù việc chữa lành đó được thực hiện bởi chính cơ chế tự bảo vệ của cơ thể người bị nạn hoặc được hỗ trợ bởi y, bác sĩ.
Sơ cứu được thực hiện bằng cách giải quyết một vấn đề tại một thời điểm và theo thứ tự nghiêm trọng của vấn đề. Để nhớ thứ tự đó, chúng ta thường sử dụng biểu thức: "Giữ cho họ thở, cầm máu và cố định các phần khác". Điều đó có nghĩa là nếu ai đó không thở, người giúp đỡ cần thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức vì lúc này mọi yếu tố khác ít quan trọng hơn. Nếu có chảy máu, phải cầm máu. Thực hiện bất kỳ hỗ trợ chấn thương nào khác và ngăn chặn vết thương di chuyển để nó không trở nên trầm trọng hơn.
Mùa hè cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các vụ đuối nước, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và là vấn đề lớn ở Việt Nam. Mặc dù số vụ đuối nước đã giảm trong những năm gần đây nhưng tỉ lệ trẻ đuối nước ở Việt Nam vẫn cao nhất Đông Nam Á.
Một người có thể chết đuối trong ít nhất 3-5 cm nước. Đuối nước không giống như trong phim. Thông thường, nó diễn ra rất nhanh và thầm lặng. Nước gây ra các vấn đề trong đường thở, không phải phổi, nên một người bị đuối nước cần được CPR ngay lập tức.
Bình luận (0)