Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Trước thông tin liên tiếp ghi nhận 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm mùa A/H1N1 tại TP HCM, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết đa phần các ca nhiễm virus cúm mùa (A/H1N1, cúm B và A/H3N1) sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần điều trị thông thường. Song một tỉ lệ nhỏ các trường hợp sẽ diễn biến nặng, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Tình trạng này thường gặp ở những người có đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
"Trong khi cơ thể đang chống lại bệnh cúm, người bệnh có thể bị nhiễm trùng lần thứ hai như viêm phổi dẫn tới suy giảm hoạt động của các cơ quan, nhiễm khuẩn huyết và tử vong. Với những người có sẵn các bệnh lý mãn tính như: đái tháo đường, suy thận, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… lại nhiễm virus cúm có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền khiến các chức năng cơ thể tồi tệ hơn và khó khăn hơn khi chống lại bệnh cúm. Ngoài ra, những người cao tuổi có nguy cơ cao bị suy yếu hệ thống miễn dịch vì cũng dễ bị nhiễm trùng thứ phát hơn. Với trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng kém nên cũng dễ bị virus cúm tấn công"- PGS Phu giải thích.
Tuy nhiên, theo PGS Phu, ngay cả những người khoẻ mạnh, nếu chủ quan cũng có thể tử vong do nhiễm cúm mùa. Bệnh cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết... gây suy đa phủ tạng và tử vong rất nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh cúm được xem là bệnh thông thường, ai cũng có thể mắc phải. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây cúm có các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm long đờm đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng... Các chủng cúm mùa A/H1N1, cúm B, A/H3N2 đa phần là lành tính nhưng vẫn có một tỉ lệ nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên.
Hiện nay có các kỹ thuật mới cứu chữa người bệnh nhưng mọi người cũng không được coi thường bệnh cúm. Khi gặp các triệu chứng lâm sàng của cúm như: sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan… đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp phổi... để xác định bệnh nhân có nhiễm cúm hay không. Nếu bệnh có tiến triển nặng, cần nhập viện để được điều trị.
"Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (điện thoại, tay nắm cửa…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, chậu…) - bác sĩ Cấp lưu ý.
Để phòng bệnh cúm, giới chuyên môn cũng khuyên mọi người nên đi tiêm phòng cúm, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như: người mắc bệnh mạn tính, bệnh phổi, chạy thận, đái tháo đường, người thường xuyên dùng thuốc corticoid, hay người già, trẻ em.
Cúm A/H1N1 đang chiếm ưu thế
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số liệu giám sát cúm mùa từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ từ trong 2 tuần cuối tháng 5 vừa qua cho thấy trong hơn gần 68.000 mẫu xét nghiệm đã ghi nhận hơn 2.300 mẫu dương tính với cúm, trong đó có gần 70% là cúm A, còn lại là cúm B. Trong các tuýp cúm A chiếm phần lớn là phân tuýp cúm A/H1N1 với 75%, còn lại là cúm A/H3N2 chiếm 25%.
Tại Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong những năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20%-50% trong số các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.
Bình luận (0)