Bệnh nhân tên D.C. (54 tuổi; ngụ huyện Giồng Giềng, tỉnh Kiên Giang). Trước đó, vào chiều 5-3, khi đang làm nhà thì ông C. bị bức tường ngã, đè lên phần đầu, người và chân phải, được người nhà đưa vào một bệnh viện ở tỉnh Hậu Giang. Tại đây, bệnh nhân được xử trí giảm đau, chống sốc, truyền dịch, truyền máu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ với chẩn đoán sốc đa chấn thương do gãy kín ½ dưới đùi phải; gãy ngành ngồi mu, chậu mu -2 bên; chấn thương niệu đạo sau (đứt niệu đạo).
Điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đang chăm sóc bệnh nhân C. sau can thiệp
Bệnh nhân được xử trí thở oxy, sử dụng giảm đau, truyền dịch chảy tự do, truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng 350ml. Khi tình trạng bệnh nhân hết sốc sẽ nẹp bột đùi cẳng bàn chân phải. Sau hồi sức tình trạng bệnh nhân vẫn còn diễn tiến nặng với biểu hiện lơ mơ, thiếu máu cấp mức độ nặng, huyết áp thấp, mạch nhanh, sonde tiểu vẫn ra máu đỏ tươi.
Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có toan chuyển hóa, rối loạn đông máu, cầm máu, giảm tiểu cầu nên tiếp tục được xử trí tích cực với truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng, 2 đơn vị huyết tương, 2 đơn vị tiểu cầu. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân đang có tình trạng chảy máu nội tạng tiếp diễn. Với tình trạng như trên thì chỉ định chụp và can thiệp cầm máu các tạng số hóa nền là phương pháp xâm lấn tối thiểu - điều trị tối đa.
Ê-kíp can thiệp mạch do BS.CKI Trần Công Khánh, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, đã tiến hành chụp và phát hiện nhiều ổ thoát mạch xuất phát từ động mạch bàng quang; luồn chọn lọc vào động mạch bàng quang, chụp xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng spongel. Sau tắc mạch, bệnh nhân ổn định, mạch và huyết áp ổn định dần, tình trạng chung bệnh nhân cải thiện rõ... Thời gian thực hiện can thiệp là 30 phút.
Sáng 6-3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp ổn định, không thấy tình trạng xuất huyết thêm, sonde tiểu ra nước tiểu trong…
Bình luận (0)