Ngày 23-4, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức công bố kết quả nghiên cứu "Xóa bỏ kỳ thị" và công chiếu bộ phim tài liệu "Tới".
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, nhắc lại mục đích Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký kết: "thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo tất cả mọi người khuyết tật đều được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người".
Nghiên cứu này do UNDP và iSEE cùng phối hợp triển khai năm 2017 tập trung vào quan điểm và đánh giá của người khuyết tật về kỳ thị khi tham gia các quan hệ kinh tế và xã hội, cho thấy, những vấn đề của người khuyết tật được soi chiếu qua lăng kính của người trong cuộc.
Theo nghiên cứu, có tới 43% số người khuyết tật được hỏi có cảm nhận bị kỳ thị, với tỉ lệ bị kỳ thị cao tập trung ở các nhóm người trẻ tuổi, nam giới, khiếm thị và đa khuyết tật.
"Khi đi khám bệnh, bác sĩ không giao tiếp trực tiếp với người khuyết tật mà giao tiếp với người nhà của họ. Từ những việc nhỏ này dần dần dẫn đến sự hiểu lầm giữa hai bên"- ông Khúc Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Tia sáng, chia sẻ tại sự kiện. Nói về điều quan trọng nhất từ nghiên cứu "Xóa bỏ kỳ thị"- ông Hải Vân nói: "Cố gắng hiểu nhau nhiều hơn, qua đó sẽ vượt qua được rào cản".
Có 44% người trả lời được xác định là có tự kỳ thị trong 1 năm qua. Nghiên cứu phân tích quan hệ giữa tự kỳ thị và các mặt khác nhau của đời sống - sức khỏe, việc làm, mức độ tham gia xã hội. Nghiên cứu kết luận tự kỳ thị là hệ quả của định kiến, phân biệt đối xử của xã hội đối với người khuyết tật và việc người khuyết tật nội tâm hóa những định kiến và phân biệt đối xử đó.
Chị Thùy Chi, có khuyết tật vận động đến từ Lào Cai: "Đừng gọi chúng em là người khuyết tật nữa, hay coi chúng em như những người bình thường với những sự khác biệt".
Chia sẻ những rào cản trong giáo dục, y tế, và giao thông đi lại, chị Thùy Chi, có khuyết tật vận động đến từ Lào Cai, nói: "Đừng gọi chúng em là người khuyết tật nữa, hay coi chúng em như những người bình thường với những sự khác biệt".
Cũng theo nghiên cứu, 46% người được hỏi tự cho rằng người khuyết tật không nên yêu và lập gia đình.
Tham gia đối thoại, bà Nguyệt Thu (SforA School) chia sẻ những trải nghiệm của bản thân gia đình bà và kinh nghiệm dùng nghệ thuật và vận động để trị liệu bệnh tự kỷ của trẻ em. Bà nói: "Điều quan trọng nhất là kết nối bằng tình yêu thương".
Bà Lương Minh Ngọc, Viện trưởng Viện iSEE, đồng ý với ý kiến của ông Hải Vân và bà Nguyệt Thu. "Yêu thương thấu hiểu luôn luôn đúng, tôi xin bổ sung yếu tố niềm tin là cộng đồng làm được. Chúng ta tin là làm được thì sẽ tìm cách làm được".
Bộ phim về người khuyết tật trí tuệ
Với sự hỗ trợ của UNDP, Viện iSEE đã thực hiện sản xuất một bộ phim tài liệu về người khuyết tật trí tuệ. Nhân vật chính là Đặng Văn Tới, chàng trai 25 tuổi sống tại Đà Nẵng. Được xác định là người khuyết tật trí tuệ nên Tới theo học tại Trường Chuyên biệt Tương Lai. Kể từ khi ra trường đến nay, Tới đã trải qua nhiều công việc khác nhau như bê vác, dắt xe ở quán cà phê, thợ mộc… với mức lương ít ỏi.
Khi nhắc tới người khuyết tật, người ta thường nghĩ ngay đến những người khuyết tật vận động vì nhóm khuyết tật vận động dễ được nhận ra. Nhưng có một nhóm khác dường như bị bỏ quên, thậm chí vẫn chưa có định danh chính thức, tạm gọi là nhóm khuyết tật trí tuệ. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng vẫn chưa có những chính sách hợp lý hỗ trợ họ. Câu chuyện của Tới từ bộ phim tài liệu "Tới" là một trong rất nhiều câu chuyện của những người khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam, những người đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ chủ lao động nói riêng và từ xã hội nói chung.
Bình luận (0)