Thông tin trên được GS Adrian Bauman, Trường ĐH Sydney (Úc), trình bày tại hội thảo “Chiến lược phòng chống bệnh không lây” do Trung tâm Phòng chống chấn thương và các bệnh không lây (Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM) tổ chức sáng 1-11.
Theo GS Bauman, nguyên nhân cơ bản của các bệnh không lây là do hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực. Những hành vi này tạo các yếu tố bất lợi về sinh lý (thừa cân, béo phì, cao huyết áp, đường máu tăng, lipid máu bất thường) gây nên các bệnh không lây thường gặp như: đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, ung thư, bệnh phổi. Trên thực tế, hơn 75% số ca tim mạch, đái tháo đường tuýp 2 và 1/3 số ca ung thư có thể ngăn ngừa được bằng cách tránh xa thuốc lá, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực thường xuyên.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống chấn thương và các bệnh không lây, cho biết theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 4 nhóm bệnh không lây hàng đầu là bệnh tim mạch, phổi mãn tính, ung thư và đái tháo đường. Các kết quả khảo sát tại Việt Nam cho thấy các bệnh rối loạn tâm thần cũng nằm trong nhóm ưu tiên này. Theo bác sĩ Hiệp, với tình hình nước ta hiện nay cần thiết phải có sự phối hợp giữa ngành y tế và người dân trong việc đẩy mạnh tầm soát, phát hiện sớm các bệnh không lây cũng như khuyến khích lối sống lành mạnh, năng vận động trong cộng đồng.
Trong khi đó, GS Bauman nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động thể lực; cần hạn chế các hoạt động giải trí thụ động như xem tivi, chơi game, giải trí trên internet… xuống dưới 2 giờ/ngày, nhất là đối với trẻ em. Việc tăng cường hoạt động thể lực và hoạt động ngoại khóa cho học sinh cũng rất quan trọng. Ngoài ra, đối với cộng đồng nói chung cần hướng tới 3 hoạt động can thiệp chủ yếu mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng là kiểm soát thuốc lá, giảm muối trong khẩu phần và điều trị thuốc phối hợp cho người có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch.
Bình luận (0)