Theo các chuyên gia y tế, các bệnh không lây nhiễm (như tim mạch, béo phì, đái tháo đường, ung thư) hiện nay đã tăng gấp 2 lần so với năm 1980 và được coi là bệnh dịch gây ra những tác động đáng sợ cho kinh tế - xã hội vì làm tăng chi phí y tế và giảm năng suất lao động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh không lây nhiễm làm tổn thất 2% - 5% GDP của mỗi nước. Trong tổng số 57 triệu trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn cầu, có hơn 60% do bệnh không lây nhiễm.
Việt Nam cũng đang đối mặt với gánh nặng bệnh không lây nhiễm. Tại nhiều bệnh viện, tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh không lây nhiễm tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã thay đổi. Nghiên cứu cho thấy trong số gần 520.000 người tử vong ở nước ta mỗi năm có 2/3 là do bệnh không lây nhiễm.
Theo ông Lee Wharton, chuyên gia dinh dưỡng đến từ Trường ĐH Kỹ thuật Queensland - Úc, nằm trong nhóm bệnh không lây nhiễm, bệnh tim mạch và đái tháo đường là hậu quả của lối sống hiện đại ngày nay. Năm 2008, toàn cầu có 17,3 triệu người tử vong do bệnh tim mạch và dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 23,6 triệu người. Các nước thu nhập thấp và trung bình có tỉ lệ tử vong cao, với 80%. Những yếu tố nguy cơ về hành vi gây ra bệnh là hút thuốc, dinh dưỡng bất hợp lý, ít vận động, lạm dụng rượu bia…
Bình luận (0)