Bé nặng nhất là một bé trai tên L.N.D., 17 tháng tuổi, nhà ở Cái Bè, Tiền Giang, nhập viện chiều ngày 14-5. Theo lời kể của người mẹ, chiều hôm đó bé đang ăn xúc xích trước nhà thì có một con chó nhào vào, táp vào vùng đầu, mặt em bé. Bé bị rất nhiều vết thương, vết lớn nhất ngay miệng, rách nặng môi dưới và cằm, lộ răng và xương hàm. Ngoài ra còn 3 vết trên đầu, có nơi lộ xương sọ, mỗi vết dài 4-5 cm.
BS Nguyễn Minh Hằng đang kể về bé Đ.Q.V., bệnh nhi "nhẹ" nhất trong số 3 cháu bé bị chó cắn vùng hàm mặt
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bà đã mất gần 4 giờ để khâu các vết thương cho em bé, dùng tới 7 mét chỉ.
Bé thứ 2 tên Đ.Q.V., ngụ Bình Dương, cũng là 1 bé trai 18 tháng tuổi, nhập viện ngày 16-5. Bé bị chó cắn 1 tuần trước ngay má phải, vì bé lỡ đạp đuôi con chó nhà, đã nhập Bệnh viện Quận Thủ Đức và được may vết thương. Không may vết thương nhiễm trùng nên bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để xử lý lại vết thương.
Bé thứ 3 mang tên G.H., một bé gái 19 tháng tuổi từ Tây Ninh. Cháu bé nhập viện trưa 10-6. Theo lời kể của người nhà, bé đã đến gần một con chó nhà đang ăn, nên con vật đã tấn công cháu bé, cắn nát nửa dưới mặt bên phải, lộ ra nhiều cấu trúc bên trong của khuôn mặt. Bác sĩ Hằng đã phải dùng tới 5,25 mét chỉ để khâu lại khuôn mặt cho cháu bé này.
Đáng chú ý trong cả 3 trường hợp, chỉ có con chó trong trường hợp đầu được tiêm ngừa dại cho dù đều là những con chó được nuôi trong gia đình như thú cưng. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, tính chất vết thương do chó cắn luôn rất phức tạp, thường bị dập nát do bị cắn xé, móng vuốt cào cấu, đụng dập do va đập. Ngoài ra vết thương dễ nhiễm nhiều tạp khuẩn, virus dại, uốn ván....
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, cũng là một bác sĩ thường xuyên phải điều trị cho các bé thường bị chó cắn, cảnh báo hầu như loại chó nào cũng có thể cắn các bé, trong đó nguy hiểm nhất là những giống chó dữ giữ nhà, bởi chúng thường có phản ứng xé, nuốt thịt sống. Các cháu bé bị chó cắn đều cần phải theo dõi lâu dài trong suốt quá trình lành thương, theo dõi các di chứng, ví dụ như sự vận động của các cơn mặt, ảnh hưởng đến tuyến nước bọt..., tâm lý, sức khỏe và cuộc sống về sau.
Bình luận (0)