Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, chiều 10-11 do Bệnh viện Nội tiết Trung ương tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam có khoảng 7 triệu mắc đái tháo đường
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, kết quả điều tra cho thấy hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng với 34% là biến chứng tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
"Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống"- bà Lan nhấn mạnh.
Tiến sĩ - bác sĩ Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiểu biết của cộng đồng về "kẻ giết người thầm lặng" này còn nhiều hạn chế.
Khám, tư vấn cho người dân về bệnh đái tháo đường
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ở nhóm người trưởng thành từ 30-69 tuổi, tỉ lệ đái tháo đường là 2,7% vào năm 2002 đã tăng lên 5,4% năm 2012 và 7,3% vào năm 2020. Tỉ lệ có dấu hiệu tiền đái tháo đường là 17,8%.
Đái tháo đường là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài tới hết đời, thế nhưng theo bác sĩ Hiệp, tỉ lệ mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán là 62,6% và hơn một nửa người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh. Để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tình trạng tiền đái tháo đường, cần xét nghiệm đường huyết định kỳ hàng năm.
Bình luận (0)