Tại hội nghị khoa học về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, diễn ra ngày 22-10, GS-TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho biết các thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội cho thấy tỉ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở TP HCM là 2,5%. 10 năm sau đó, tỉ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán.
"So sánh giữa số liệu thống kê của năm 2002 và năm 2012 thì tỉ lệ mắc đái tháo đường ở Việt Nam tăng tới 211%. Mới đây, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%. Tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung. Mức độ gia tăng này vượt ra khỏi dự đoán của các tổ chức y tế"- GS Dàng nói.
GS-TS Trần Hữu Dàng cho biết tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh
Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đăng tải báo cáo nghiên cứu khoa học do TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nghiên cứu trên hơn 5.000 người dân từ 30-69 tuổi trên toàn quốc cho thấy tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường toàn quốc lần lượt là 7,3% và 17,8%. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, tỉ lệ này là 8,3% - 22,3%.
Các chuyên gia nhận định đái tháo đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, suy thận mạn, 60% đoạn chi không do chấn thương, đặc biệt 2/3 người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch. Đái tháo đường là một gánh nặng vì việc điều trị và chăm sóc rất tốn kém, phức tạp.
Theo GS Dàng, khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, trong khi chưa tới 30% số người được chẩn đoán điều trị tốt. 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.
Các chuyên gia cho rằng để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, kết hợp tập luyện và dùng thuốc tây y theo chỉ định bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc không đúng chỉ của bác sĩ hoặc dùng chung đơn thuốc với người khác bởi các loại thuốc này khiến quá trình kiểm soát đường huyết thêm khó khăn.
Chế độ ăn uống cần cân bằng các nhóm chất như tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất; ăn rau luộc vào đầu bữa; chia nhiều bữa nhỏ; ăn thịt cá trước hoặc cùng lúc thực phẩm chứa tinh bột; không ăn nhiều vào bữa tối... Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, vận động hợp lý giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.
Người bệnh học cách sống chung với bệnh đái tháo đường cần sự kiên trì và quyết tâm. Chế độ sinh hoạt nên lành mạnh như không thức khuya, ăn đúng giờ giấc, không hút thuốc lá, không dùng các chất kích thích (rượu, bia...).
Khi có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi liên tục, không tập trung, hoa mắt, chóng mặt..., nên đi khám bác sĩ nội tiết - đái tháo đường để được kiểm tra, điều trị kịp thời. Đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ, cần đi khám và xét nghiệm đường huyết ít nhất 1 năm/lần.
Đái tháo đường tuýp 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trẻ, thanh thiếu niên. Dấu hiệu điển hình là đói và mệt, đi tiểu thường xuyên và khát hơn, khô miệng, ngứa da, sút cân nhiều, thị lực giảm.
Khác với triệu chứng rầm rộ, diễn biến nhanh như tuýp 1, bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 diễn biến rất âm thầm, thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.
Đái tháo đường ảnh hưởng đến tim mạch, thận, chi..., gây nhiều biến chứng như đột quỵ, suy thận, giảm thị lực, mù lòa và những biến chứng bàn chân. Nhiều bệnh nhân đến viện phải cắt cụt chi, điều trị biến chứng.
Bình luận (0)