Thời gian gần đây không ít trường hợp người mắc bệnh đái tháo đường bị trở nặng đến khám tại bệnh viện. Nguyên nhân là do chỉ tuân thủ điều trị trong thời gian đầu, sau khi thấy tình trạng sức khỏe ổn định hơn đã chủ quan không tuân thủ chế độ dinh dưỡng; không sử dụng thuốc đều đặn; không tái khám định kỳ, thậm chí tự ý sử dụng các loại thuốc gia truyền, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…
BS Trần Thị Thùy Dung tư vấn cho một trường hợp bệnh đái tháo đường
BS Thùy Dung cũng lưu ý những trường hợp mới phát hiện bệnh lại quá bi quan, lo sợ dẫn đến ăn kiêng quá mức hoặc sử dụng các loại thực phẩm không phù hợp dẫn đến đường huyết tăng cao. Điều này dẫn đến biến chứng tăng đường huyết cấp tính, suy gan hoặc suy thận. Người bệnh và người nhà cần nắm rõ mục tiêu điều trị đái tháo đường là kiểm soát đường huyết ở mức ổn định để ngăn ngừa các biến chứng xảy ra, bao gồm: kiểm soát đường huyết lúc đói, kiểm soát đường huyết sau ăn và có giá trị HbA1c trong 3 tháng ở mức bình thường, áp dụng chế độ ăn phù hợp, cân đối.
Nguyên tắc chung là ăn đủ 3 bữa/ngày, ăn đúng giờ, tránh trễ bữa hay bỏ bữa; không kiêng khem quá mức, kiểm soát chất dinh dưỡng trong bữa ăn, bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường có chỉ số đường huyết thấp.
Cần duy trì tập luyện 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Chỉ tập luyện vừa sức, nếu quá gắng sức sẽ dễ gây ra những biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực.
Bình luận (0)