Chiều 29-11, Bệnh viện Từ Dũ đã báo cáo tình hình quản lý 9 thai phụ được phát hiện mắc Zika tại TP HCM tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – xã hội, Hội đồng Nhân dân TP HCM do bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa- xã hội chủ trì.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ, trong 9 ca này có 2 ca nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu, trong đó 1 ca đã sảy tự nhiên, 1 ca xin bỏ thai. 7 ca còn lại có 4 ca nhiễm trong 3 tháng giữa, 3 ca nhiễm trong 3 tháng cuối và trong đó có 1 ca thai chậm tăng trưởng từ trước khi có triệu chứng Zika. 9 thai phụ này đều có biểu hiện rõ ràng của bệnh như sốt, phát ban.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo rằng các thai phụ không nên quá lo lắng vì tỉ lệ nhiễm bệnh rất thấp. Trong hơn 26.000 thai phụ đến khám trong tháng 10, chỉ có 6 thai phụ hội đủ các yếu tố để xét nghiệm Zika và trong đó chỉ có 1 người được xác định là có bệnh.
Tại buổi làm việc, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng báo cáo tình hình phòng chống Zika. Ông khuyến cáo rằng, Zika không mới, có thể nó đã có từ lâu với một tỉ lệ rất thấp trong cộng đồng. Đây cũng là căn bệnh không nặng ở người không mang thai, tỉ lệ mắc thấp nên người dân không nên quá lo lắng.
Trong khi đó, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nhấn mạnh rằng, theo các báo cáo, tật đầu nhỏ có tăng lên ở các nước thuộc vùng dịch tễ Zika, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng y học gì khẳng định đầu nhỏ hoàn toàn là do Zika. Bệnh đầu nhỏ này còn liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nữa. Nếu phát hiện thai nhi có tật đầu nhỏ, bệnh viện sẽ tiến hành các biện pháp tầm soát và xác định nguyên nhân của bệnh, phương hướng quản lý thai. Hiện chưa phát hiện thai nào bị tật đầu nhỏ trong các thai phụ được phát hiện mắc Zika tại TP HCM.
TS-BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ khẳng định: cho dù 1 thai phụ được xác nhận mắc Zika, chưa chắc em bé bị nhiễm bệnh. Và cho dù em bé có nhiễm, chưa chắc bé sẽ mắc hội chứng Zika bẩm sinh, trong đó có tật đầu nhỏ. Có nhiều căn bệnh nguy hiểm hơn là Zika, ví dụ như Rubella, mà thai phụ cần đề phòng. Có rất nhiều thai phụ đã vội vàng xin bỏ thai khi nghi ngờ bệnh, lo sợ con bị ảnh hưởng, điều đó là hoàn toàn không cần thiết.
Bình luận (0)