* Phóng viên: Thưa bộ trưởng, có tình trạng một bộ phận không nhỏ người dân đang quay lưng với vắc-xin miễn phí do lo ngại những phản ứng sau tiêm?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trước hết, phải khẳng định không có Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát rất lớn. Những thập kỷ trước, các trường hợp bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván vào bệnh viện cấp cứu rất nhiều, tử vong rất lớn nhưng ngày đó truyền thông không phủ rộng như bây giờ nên ít người biết.
Nhờ TCMR, Việt Nam hiện đã thanh toán được bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm khác hàng trăm, hàng ngàn lần. Vụ dịch sởi xảy ra năm 2014 cũng chính là do việc cha mẹ chậm trễ, không cho trẻ tiêm vắc-xin khiến nhiều trẻ mắc và tử vong. Trong khi đó, về khoa học, với mỗi loại bệnh, miễn dịch cộng đồng phải đạt tối thiểu 80% mới không xảy ra dịch bệnh.
Hiện nay, chúng ta đang thiếu vắc-xin dịch vụ, nếu không tiêm Quinvaxem thì dịch bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B… sẽ có nguy cơ bùng phát. Vì thế, quan điểm của tôi là phải tiêm và phải chấp nhận tỉ lệ tai biến nhất định. Chúng tôi đã giải thích rất nhiều nhưng người dân vẫn không tin.
Tôi chỉ so sánh thế này, nếu không tiêm vắc-xin và mắc loại bệnh nào đó thì tử vong ít nhất 100-200/triệu trẻ. Còn nếu tiêm dù là vắc-xin nào đi chăng nữa cũng xảy ra tử vong ít nhất 1-4 trường hợp/triệu liều vắc-xin, không kể dịch vụ hay miễn phí. Chưa kể, nếu có các bệnh trùng lặp kèm theo như tim bẩm sinh, rồi trẻ tử vong không rõ nguyên nhân... Trong thực tế, cả khi không tiêm gì thì mỗi ngày tại Việt Nam cũng có 30-50 trẻ chết do nhiều nguyên nhân.
* Người dân chen lấn đến ngất xỉu, đội mưa, gió rét đứng suốt đêm để mong “săn” được cho con một mũi vắc-xin dịch vụ. Bà nghĩ gì về hình ảnh này?
- Ngành y tế rất thông cảm với gia đình có con nhỏ đi tiêm. Tuy nhiên, tôi muốn lấy ví dụ về vắc-xin dại. Nếu bị chó dại cắn mà không tiêm sau 72 giờ thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chết vì lên cơn. Thế nhưng, làm sao chúng ta xác định con chó có bị dại hay không vì nó bị dại thường sau 14 ngày mới chết… Trong khi đó, tiêm vắc-xin dại rõ ràng sẽ có nguy cơ sốc, viêm não, màng não, dây thần kinh, có người tiêm vào bị liệt. Vậy chúng ta phải chọn thế nào? Ai sẽ dũng cảm chờ đợi để mong con chó không dại?
Với vắc-xin Quinvaxem hay Pentaxim, khi tiêm hàng triệu liều như vậy cũng có phản ứng. Không có vắc-xin nào tuyệt đối an toàn, kể cả vắc-xin dịch vụ mà người dân đang rất tin tưởng. Ở một số rất ít trường hợp, do cơ thể phản ứng quá mạnh gây sốc phản vệ nhưng là vấn đề cơ địa nên rất khó để biết ai bị, ai không. Nhà sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới đều đưa ra những khuyến cáo và tỉ lệ tai biến thấp dưới khuyến cáo thì không gọi là bất thường.
* Nhu cầu tiêm chủng vắc-xin dịch vụ là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Ngành y tế đã nỗ lực hết sức để có vắc-xin dịch vụ cho người dân chưa?
- Để có được 200.000 liều Pentaxem vừa qua là cả sự nỗ lực của ngành y tế. Tôi đã yêu cầu Cục Quản lý dược đi các nước để đàm phán nhưng đều nhận được câu trả lời là không có, không thể cung ứng được. Chúng tôi cũng muốn bán để có tiền, người nhập cũng muốn nhập để kiếm lời, còn điểm dịch vụ cũng muốn tiêm càng nhiều càng tốt để kiếm lợi nhưng không có nguồn. Các công ty sản xuất vắc-xin ngày càng ít, ngay Pháp cũng thiếu. Tại các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines vẫn tiêm vắc-xin Quinvaxem trong TCMR dù GDP họ gấp hai, gấp ba Việt Nam. Họ cũng tiêm song song vắc-xin dịch vụ và với chi phí tiêm rất đắt đỏ.
Hiện ngành y tế vẫn lo đủ Quinvaxem cho trẻ em. Còn tại các thành phố lớn, người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng ký tiêm dịch vụ, thậm chí ra nước ngoài tiêm cũng là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Lẽ ra, với con số 200.000 liều phải là niềm vui với các gia đình lựa chọn tiêm dịch vụ. Nhưng do việc tổ chức tiêm và thói quen người Việt nên xảy ra tình trạng lộn xộn tại một vài điểm tiêm chủng. Việc này cũng có lỗi của ngành y tế là tổ chức tiêm dịch vụ không được tốt, chưa ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu người dân bình tĩnh xếp hàng, lấy số, không chen lấn để trẻ được tiêm trong trật tự thì chắc không có vấn đề gì đáng tiếc.
* Quan điểm của bà trước đề xuất Việt Nam phải tiến tới một cơ chế tiêm chủng?
- Trong dự thảo về nghị định tiêm chủng đang được Bộ Y tế lấy ý kiến vẫn đề xuất cho tiêm vắc-xin dịch vụ song song với tiêm miễn phí. Hiện nay, tiêm chủng miễn phí có hơn 10 vắc-xin trong khi dịch vụ có hơn 30 vắc-xin. Những vắc-xin không có trong TCMR vẫn phải mở dịch vụ cho người dân tiêm, còn sau này vắc-xin có trong TCMR sẽ quy về một mối.
8% trẻ tiêm vắc-xin Pentaxim
“Chính phủ, Bộ Y tế đã lo cho dân đủ vắc-xin TCMR, trong đó có Quinvaxem. Chúng tôi đã thống kê, tiêm dịch vụ vắc-xin “5 trong 1” chỉ chiếm 8%, trong khi TCMR chiếm đến 92% trẻ trong độ tuổi tiêm vắc-xin này. Thế giới cũng đã chứng minh phản ứng nặng của vắc-xin Quinvaxem cũng giống như các vắc-xin khác. Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều Pentaxim như Quinvaxem thì chắc chắn cũng có tỉ lệ tai biến” - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Bình luận (0)