Sáng 10-3, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã triển khai tiêm miễn phí vắc-xin Quinvaxem thay thế cho vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và “6 trong 1” Infanrix Hexa (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib), cho những đối tượng thuộc diện tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMRQG) của Bộ Y tế.
Tiêm nhưng vẫn lo!
Trong ngày đầu tiên, tại điểm tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), rất đông phụ huynh đăng ký tiêm vắc-xin Quinvaxem cho con. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại về loại vắc-xin này. Chị Trần Thanh Tâm (ngụ huyện Mỹ Đức) bày tỏ: “Dù được tuyên truyền an toàn nhưng tôi rất lo, bởi thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp trẻ bị tai biến sau tiêm vắc-xin Quinvaxem”. Chị Lê Thanh Thủy (ngụ quận Thanh Xuân) cũng khá phân vân nhưng sau khi được nhân viên tư vấn khuyên và thấy nhiều bà mẹ khác đến đăng ký nên chị cũng quyết định cho con tiêm.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết tính đến cuối chiều 10-3, đã có 114 trẻ được tiêm miễn phí vắc-xin Quinvaxem thay thế vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” do 2 loại vắc-xin này không còn hàng. Theo ông Cảm, khi xảy ra một số vụ tai biến liên quan đến vắc-xin, nhiều cha mẹ có tâm lý muốn sử dụng vắc-xin ngoại. Tuy nhiên, các loại vắc-xin dù là vắc-xin dịch vụ nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều được kiểm nghiệm kỹ lưỡng rồi mới đưa vào tiêm chủng. “Bất kỳ vắc-xin nào cũng có một tỉ lệ phản ứng phụ nhất định. Do đó, người dân không quá bận tâm khi cho con tiêm vắc-xin Quinvaxem. Trường hợp thấy dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời” - ông Cảm lưu ý.
Chỉ đô thị lớn mới khan hiếm vắc-xin
Trước lo ngại hệ thống tiêm chủng xã - phường có thể bị phá vỡ do người dân đổ về các điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm vắc-xin phối hợp Quinvaxem, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhận định với thực tế hiện nay, các điểm tiêm chủng dịch vụ chỉ thiếu vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1”, còn lại vẫn đáp ứng đủ các vắc-xin tương ứng khác với Chương trình TCMRQG. Trẻ tiêm vắc-xin Quinvaxem tại các điểm tiêm dịch vụ sẽ không phải trả phí cho mũi tiêm này. “Trách nhiệm của các đơn vị tiêm chủng là phải đáp ứng được yêu cầu về vắc-xin hoặc tư vấn cho người dân tiêm chủng vắc-xin trong Chương trình TCMRQG. Nếu cơ sở nào không thực hiện thì sẽ bị tước giấy phép hoạt động” - ông Phu nhấn mạnh.
Ông Phu cũng thừa nhận tình trạng “cháy” vắc-xin dịch vụ chỉ xảy ra tại một số thành phố lớn và sẽ còn tái diễn. Dự kiến trong năm nay, sẽ có 38.000 liều vắc-xin “6 trong 1” và 250.000 liều vắc-xin “5 trong 1”. Riêng vắc-xin “3 trong 1” phòng sởi - quai bị - Rubella (của Mỹ và Pháp) khoảng 225.000 liều. Theo ước tính, số lượng vắc-xin “6 trong 1” nhập về sẽ giảm hơn 6 lần so với năm 2014. Do đó, ông Phu khuyến cáo người dân nên cho trẻ đến các điểm tiêm chủng để trẻ được tiêm vắc-xin thay thế đầy đủ, đúng lịch. Riêng vắc-xin sởi, trẻ cần được tiêm mũi đơn lúc 9 tháng tuổi và tiêm mũi nhắc lại sởi - Rubella lúc 12 tháng tuổi.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 15-3, sẽ triển khai tiêm vắc-xin Quinvaxem thay thế cho vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” tại 4 điểm tiêm dịch vụ ở Hà Nội, gồm: 131 Lò Đúc và 135 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) và Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai).
Bình luận (0)