Thế giới đang đối mặt với "đại dịch" béo phì ở trẻ em với số lượng ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với số ca mắc các căn bệnh liên quan như tiểu đường, cao huyết áp ở trẻ.
Các chuyên gia đã nhắc đến nhiều nguyên nhân như: chế độ ăn thiếu lành mạnh, thiếu vận động… Tuy nhiên, trong bài báo vừa đăng tải trên tạp chí The Conversation, tiến sĩ Rebecca Byrne - chuyên gia dinh dưỡng thực hành tại Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Đại học Công nghệ Queensland (Úc) - nêu thêm một nguyên nhân đáng giật mình. Đó là những bảng theo dõi chuẩn cân nặng.
Bảng theo dõi cân nặng của trẻ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới
"Trẻ sơ sinh không ra đời kèm với sách hướng dẫn. Nhưng chúng ta có các biểu đồ tăng trưởng" – bà viết. Vậy là nhiều bậc cha mẹ nỗ lực nuôi con theo các biểu đồ đó một cách ám ảnh mà không thực sự nhìn nhận đúng về ý nghĩa của chúng.
Các bảng tiêu chuẩn, ví dụ như tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành đều có mức trung bình, nhiều mức dưới trung bình như thiếu cân độ 1, 2, 3 và nhiều mức trên trung bình như thừa cân độ 1, 2, 3… Tuy nhiên, hầu hết các ông bố bà mẹ đều hiểu cân nặng lành mạnh nghĩa là "trên trung bình". Họ đau khổ bao nhiêu khi em bé kém hơn mức trung bình một ít thì lại thở phào nhẹ nhõm bấy nhiêu khi con "trên chuẩn", thậm chí trên đến mức 3- béo phì.
Nghiên cứu của tiến sĩ Rebecca Byrne cho thấy các bậc cha mẹ đang tự định nghĩa lại "chuẩn" là trong vòng 50% trên mức trung bình. Đối với những năm đầu đời, bấy nhiêu đã đủ để trẻ béo phì nghiêm trọng trong tương lai. Bà khuyên rằng điều cần thiết nhất là phải dạy trẻ ngừng ăn khi đã no, thay vì cố gắng bắt trẻ bỏ qua các tín hiệu khác cơ thể và ăn chỉ để làm vừa lòng cha mẹ.
Tiến sĩ Rebecca Byrne và các cộng sự cũng vừa thực hiện một phân tích đối với các cháu bé được cha mẹ đem đến đơn vị mình để trị chứng "biếng ăn" vì chúng không đạt được thể hình tương đương trẻ khác cùng tuổi và giới tính. Kết quả, tất cả các em bé này đều có trọng lượng bình thường!
Bình luận (0)