Bị tai nạn giao thông và mất đi một phần chân trái, N.T.H.N (23 tuổi) ban đầu tỏ ra rất mạnh mẽ, trấn an gia đình rằng mình còn nhiều cách để thích nghi với cuộc sống.
Từ hồi ức buồn đến sinh bệnh
Sau hơn một tháng nằm viện điều trị, N. bắt đầu tiếp cận một số biện pháp phục hồi chức năng. Việc tập luyện có vẻ khó khăn hơn cô nghĩ nên N. bắt đầu tỏ ra dễ bực dọc. Càng ngày cô càng tỏ vẻ bất hợp tác với nhân viên y tế, hay khóc lóc, kể lể về tai nạn cũ, than thân trách phận, chửi rủa kẻ gây tai nạn cho mình, oán trách vô cớ người thân… Một lần, N. đập đầu vào tường đòi tự tử, cha mẹ cô buộc phải nhờ đến bác sĩ (BS) tâm thần. Chẩn đoán ban đầu cho thấy N. có thể bị PTSD (Post Traumatic Stress Disorder - rối loạn stress sau sang chấn).
PTSD vốn là một hội chứng có biểu hiện đa dạng, gặp ở nhiều binh lính, nạn nhân sau chiến tranh, nạn nhân sau thảm họa, người phải đối diện với một biến cố lớn đối với bản thân hay người thân… Nhiều bệnh viện (BV) cũng gặp khó khăn vì PTSD ở một số bệnh nhân phải điều trị lâu dài do tai nạn giao thông, tai nạn lao động nặng… Họ bị ám ảnh bởi biến cố với những lần phẫu thuật, hồi sức, đau đớn và sinh bệnh. Trong báo cáo trình bày tại một hội nghị khoa học Việt - Pháp hồi năm 2012 ở BV Nhân dân Gia Định, BS người Pháp Jean Claude Deslandes cho biết khá nhiều bệnh nhân bị chấn thương nặng, phải điều trị lâu dài trong môi trường bị PTSD. Ở các bệnh nhân quá nặng, tỉ lệ gặp phải PTSD có thể lên tới 50% và thậm chí hơn 3 tháng sau khi xuất viện, họ mới đột ngột trở bệnh. Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân phải điều trị hồi sức gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ (84%), lo sợ (90%), ác mộng (88%), khủng hoảng (81%)… Đây là các yếu tố dễ dẫn đến PTSD.
Khó điều trị
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP HCM, phân tích: “PTSD được xác định khi bệnh nhân gặp các vấn đề về tâm thần sau biến cố từ một tháng trở lên. Nhiều bệnh nhân có vẻ như vượt qua biến cố trong đời một cách mạnh mẽ trước đó nhưng đến một ngày, khi nỗi đau về thể xác đã nguôi ngoai, họ có thời gian hồi tưởng những ký ức buồn, thế là những bất ổn tinh thần trỗi dậy. Nếu PTSD tìm đến ngay trong lúc bệnh nhân vẫn còn phải điều trị thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nói chung. PTSD gây ra các rối loạn cảm xúc, hành vi nghiêm trọng, ngăn cản người bệnh tái hòa nhập cuộc sống sau khi đã phục hồi về thể chất. Thực ra, để đối phó với PTSD, cách tốt nhất vẫn là ngăn chặn nó ngay từ đầu bằng các biện pháp tâm lý - tâm thần sớm vì chẩn đoán và điều trị PTSD rất phức tạp, khó thành công”.
Theo chuyên viên tâm lý Trương Thị Hòa (Đơn vị Tâm lý Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần), để điều trị PTSD, nhân viên y tế sẽ áp dụng biện pháp hỗ trợ cá nhân và liệu pháp nhóm, trong đó ưu tiên tiếp xúc, chia sẻ với người mà bệnh nhân tin tưởng. Vì vậy, để quá trình điều trị có hiệu quả, tốt nhất vẫn phải có một người thân, người bạn tin cậy… ở bên bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Việc điều trị cũng cần sự kiên nhẫn bởi đây là một hội chứng khó trị trong ngành tâm thần.
Người thân cần hỗ trợ
ThS Trần Thị Yến Nhi, Đơn vị Tâm lý Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP HCM, lưu ý: “Sau sang chấn, bệnh nhân thường trải qua 5 giai đoạn tâm lý: Không chấp nhận thực tế; “trả giá” - tức tự phân tích, biện hộ để né tránh thực tế; trầm cảm; bình tĩnh suy nghĩ; từ từ chấp nhận. Ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh nhân có thể phản ứng quá khích trước mất mát về mặt thân thể nên rất cần người thân bên cạnh giúp đỡ. Nếu mọi thứ nặng nề đến mức họ có hành vi tự hủy hoại, đập phá, kích động dữ dội thì nên có BS tâm thần. Sự hỗ trợ đúng cách ngay từ khi mới xảy ra biến cố sẽ giúp bệnh nhân từ từ trải qua 5 giai đoạn trên và tìm về cuộc sống bình thường mà không bị ám ảnh nữa”.
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang khuyến cáo nên đặc biệt chú ý đến những người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động… vì PTSD có thể tìm đến khi họ đã dần phục hồi và phát hiện mình không thể quay lại cuộc sống trước kia. Người thân nên giúp họ tìm hướng đi để đừng rơi vào trạng thái bế tắc.
Bình luận (0)