xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Amip ăn não”: Hiểm nhưng hiếm

BS-TS NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN

Cuối tháng 7 vừa qua, ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM có một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm não - màng não do một loại amip - một dạng ký sinh trùng có tên thông dụng là “amip ăn não” - gây ra và tử vong sau đó. Bài viết này giúp bạn đọc hiểu thêm về căn bệnh được cho là lần đầu tiên gặp ở Việt Nam

“Amip ăn não” là một loại trùng roi amip sống tự do, có tên khoa học là Naelgeria fowleri, sinh sống được trong đất, nước lợ và nước ngọt ở sông, đầm, hồ.
Đa số loại amip này nhạy cảm với môi trường khô và pH khắc nghiệt, không sống được trong môi trường nước biển. Trong cơ thể người, chúng cư trú trong khoang mũi và họng. N fowleri chịu được nhiệt, có thể sống sót được ở nhiệt độ 45,8oC. Amip này có 30 chủng khác nhau, nhưng chỉ có một loại N. fowleri là có thể gây bệnh trên người.

Bệnh rất hiếm gặp

N. fowleri là một tác nhân nguy hiểm gây tử vong cao trong hội chứng viêm não - màng não tiên phát do amip gây ra (primary amebic meningoencephalitis - PAM). Cũng cần nên biết rằng viêm não - màng não là một hội chứng do nhiều tác nhân, trong đó amip là một. Trong nhóm tác nhân do amip gây ra, thì loại “amip ăn não” là loại nguy hiểm hơn cả.
Sau khi tiếp xúc với nguồn nước bị nhiễm “amip ăn não”, bệnh nhân có thể phát bệnh sau vài ngày và tử vong rất cao xảy ra sau 1-2 tuần nhập viện. Theo một số báo cáo của Mỹ, chỉ có 1 bệnh nhân sống sót trên tổng số 123 bệnh nhân mắc bệnh này.

Thế nhưng, một điều may mắn, nguy cơ mắc bệnh này chỉ là 1/2,6 triệu lần tiếp xúc với mầm bệnh. Toàn thế giới, cho đến hiện nay, chỉ ghi nhận được khoảng 200 trường hợp mắc bệnh này. Cũng có trường hợp xảy ra tại một khu vực có tính cộng đồng rõ. Đa số các trường hợp mắc bệnh xảy ra trong những tháng mùa hè, ở những người có đi bơi ở các môi trường nước ngọt như hồ hoặc bể bơi. 

img
Ảnh lớn: Hạn chế bơi ở các sông, hồ, đặc biệt là các hồ bơi nước nóng, để phòng bệnh “amip ăn não”. Ảnh: THỐT NỐT
Ảnh nhỏ: Hình ảnh của trùng roi “amip ăn não” N. fowleri dưới kính hiển vi (Nguồn: CDC - MỸ)

Riêng tại Mỹ, nơi có nhiều bệnh nhân mắc bệnh này nhất thì trong suốt 13 năm từ 1989 đến 2002, cũng chỉ ghi nhận được 31 trường hợp. Trong năm 2007, có 6 ca. Và trong chu kỳ 10 năm từ 1998, có 33 trường hợp nữa. Về yếu tố dịch tễ, trong số các bệnh nhân này có 31 bệnh nhân có tiền sử rõ ràng tiếp xúc với nước trong bể bơi công cộng và 2 tiếp xúc với nguồn suối nước ấm tự nhiên. Một số nước, lãnh thổ khác cũng báo cáo đã từng gặp bệnh loại này như Pakistan, Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc.

Trong môi trường, “amip ăn não” cũng không phổ biến. Một nghiên cứu khảo sát trên 16 mẫu nước lấy ở các vị trí khác nhau tại một hồ nước dùng để cung cấp cho các sinh hoạt giải trí ở Virginia-Mỹ, có 9 mẫu dương tính với “amip ăn não”. Tuy nhiên, số lượng quá ít, không đủ gây nguy hiểm. Đối với các nguồn nước được cho lưu chuyển, sục ôxy hay áp nhiệt, gần như ít tìm thấy.

Biểu hiện bệnh “amip ăn não”

Viêm não - màng não do “amip ăn não” gây ra, bệnh nhân có triệu chứng giống như các bệnh viêm não - màng não do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân này nhập viện đều có tiền sử đi bơi ở hồ tự nhiên hay bể bơi trong thời gian gần phát bệnh. Bệnh nhân có sốt cao do nhiễm trùng.
Vì tác nhân tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm não và màng não nên có biểu hiện thương tổn cả hai. Triệu chứng của màng não bao gồm đau đầu xuất hiện đột ngột, sợ ánh sáng, buồn nôn và nôn. Nôn ở đây là nôn vọt và không liên quan đến bữa ăn. Đau gáy, khi khám cổ cứng.
Triệu chứng của não như thay đổi ý thức, từ nhẹ đến nặng là hôn mê; co giật và có biểu hiện thay đổi vận động. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh viêm não - màng não do “amip ăn não” rất nặng và nguy kịch, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào hôn mê  và tử vong trong vòng 1-2 tuần sau nhập viện.
Viêm não - màng não do “amip ăn não” là một bệnh tuy nguy hiểm, tỉ lệ tử vong gần như tuyệt đối, nhưng lại một bệnh rất rất hiếm gặp. Hiểm nhưng hiếm, nên chúng ta cũng không lấy làm lo lắng. Vì là hiếm gặp như vậy, cho nên các cơ quan chuyên môn cao cấp của thế giới cũng không có các khuyến cáo gì đối với loại amip này cả.
Cũng không có một tiêu chuẩn an toàn nào đặt ra đối với loại amip này cho các nguồn nước sinh hoạt công cộng. Phương pháp duy nhất phòng ngừa an toàn tuyệt đối với loại amip này là không đi bơi ở các bể bơi, nhất là bể bơi nước nóng;  và tránh để nước xộc vô mũi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Thế nhưng, chỉ vì lo ngại một bệnh chết người với một tỉ lệ mắc bệnh chỉ có 1/2,6 triệu thì việc bỏ đi một thú vui lành mạnh và có lợi cho sức khỏe, là một sự lo âu quá mức.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao, hạn chế nước vào mũi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo