Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, bé T. có tiền sử động kinh, tim mạch, tiền căn xuất huyết não sau sinh, chậm phát triển tâm thần vận động do di chứng xuất huyết não. Năm 2011, bé T. té gãy chân và bại liệt, nằm một chỗ.
Vấn đề cần làm rõ là chưa thể xác định 2 ca tử vong do nhiễm amip Nalgleria fowleri, tính đến thời điểm này, có mối tương quan với nhau vì hoàn cảnh, không gian… là hoàn toàn khác nhau. Anh P.V.T (27 tuổi, tạm trú ở quận Bình Thạnh, tử vong trước bé T.) thì tiền sử sức khỏe bình thường, trước khi vào viện một tuần có lặn bắt trai ở Phú Yên; trong khi bé T. thì bại liệt nằm một chỗ lâu nay.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho rằng chưa đủ dữ liệu để khẳng định bé T. tử vong do amip ăn não và để khẳng định thì phải dựa trên các yếu tố: bệnh sử, lâm sàng và xét nghiệm dịch não tủy; chỉ với một xét nghiệm cận lâm sàng đã làm thì khó để kết luận chắc chắn. Theo ông, muốn chẩn đoán để xác định nhiễm amip Nalgleria fowleri thì còn phải theo 3 yếu tố: khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ phải hỏi kỹ bệnh nhân có từng đi bơi trước khi có triệu chứng từ 2-6 ngày; diễn tiến lâm sàng của bệnh cấp tính và tối cấp; bệnh nhân hôn mê và tử vong rất nhanh trong vòng vài ngày đến hơn 1 tuần. Ngoài ra, khi chọc dò tủy sống, soi tươi có thể thấy amip trong dịch não tủy.
Nhiễm do tắm, ngâm nước ở hồ, ao
Ngày 19-9, ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết sau khi bé T. tử vong, Trung tâm Pháp y TPHCM lấy mẫu xét nghiệm gửi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, kết quả dương tính với amip Nalgleria fowleri. Trước đó 4 tuần, một bệnh nhân nam ở Phú Yên tử vong và mẫu xét nghiệm cũng dương tính với amip này. Cả hai trường hợp đều nhiễm bệnh do tắm, ngâm nước ở hồ, ao tự nhiên. Ông Dương cũng cho biết viêm não do amip Nalgleria fowleri hiếm gặp nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, gần như 100%. Bệnh nhân thường tử vong trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát và người bệnh thường có biểu hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, co giật. Để phòng bệnh, sau khi tiếp xúc với các nguồn nước có nguy cơ, mọi người nên vệ sinh mũi bằng dung dịch nhỏ mũi như nước muối sinh lý Natri clorid 0,9%, Clorocid 0,4%. Kh.Anh |
Bình luận (0)