Chất béo được cung cấp từ hải sản, nhất là cá biển, được xem là chất béo có lợi cho tim mạch, trí não. Trong 3 tháng đầu mang thai, nếu phụ nữ thường xuyên sử dụng cá biển thì đứa trẻ khi sinh ra sẽ có não bộ tốt hơn những trẻ khác. Các món hải sản (sò, ốc, cá sống mù tạc, cá nấu riêu, cá nướng giấy bạc…) là nguồn cung cấp kẽm phong phú.
Đó cũng là lý do dễ hiểu vì sao những dân tộc có thói quen ăn nhiều cá thì sống khỏe mạnh, thông minh và ít bệnh tật hơn những dân tộc ăn nhiều thịt.
Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều tác dụng hơn nữa của cá. Chẳng hạn, trong nhiều loại cá có hai chất dinh dưỡng rất quý cho sức khỏe con người là EPA (tác dụng phòng bệnh tim mạch) và DHA (có vai trò rất quan trọng đối với hệ thần kinh)... EPA có nhiều ở các giống cá lưng xanh. Trong thịt động vật máu nóng hàm lượng EPA rất thấp, còn DHA thì hầu như không có; trái cây, rau đậu cũng không có DHA. Các nhà dinh dưỡng học đề nghị mọi người nên tăng cường ăn cá để bảo vệ sức khỏe và trí tuệ, nhất là đối với người cao tuổi.
Ăn cá rõ ràng là tốt hơn ăn các loại thịt đỏ nhưng nên nhớ không ít loại cá nằm trong nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc có thể gây ngộ độc. Các món ăn như mực phơi một nắng luôn khoái khẩu với nhiều người nhưng lại là nỗi lo của người có cơ địa dị ứng. Cá ngừ ngon đấy nhưng cũng là thực phẩm dễ gây dị ứng, phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo là nên hạn chế ăn cá ngừ do cá ngừ thường chứa thủy ngân gây độc cho thai nhi.
Vì thế, việc đề phòng dị ứng và ngộ độc do ăn cá là điều đáng quan tâm. Có những lời khuyên đơn giản nhưng chúng ta có thể áp dụng một cách dễ dàng để phòng ngừa dị ứng và ngộ độc từ cá. Chẳng hạn không dùng cá ươn; nếu biết thường bị dị ứng khi ăn một loại cá nào đó thì tốt nhất là không nên ăn nữa, kể cả các món xào nấu mà trong thành phần có loại cá này; việc nấu chín các loại cá dễ gây dị ứng sẽ hạn chế được tác dụng gây dị ứng...
Bình luận (0)