Cũng từ nhận thức đó nên ở Đức, hằng năm vẫn còn cả trăm ngàn người bỏ thời giờ nghỉ dưỡng trong các tu viện để được các nhà tu hành hướng dẫn biện pháp phòng bệnh bằng cách học… ăn sao cho sống khỏe!
Theo các tu sĩ ở quê hương của đại thi hào Goethe, nhiều người mắc bệnh oan uổng là vì:
- Ăn quá nhanh. Nhiều người tuy mang tiếng ăn nhưng chẳng khác nào nuốt cái một. Mỗi miếng ăn khó lòng được hấp thu khi xuống đến bao tử nếu không được nhai tối thiểu 10 lần. Hậu quả là tuy có thể ăn nhiều nhưng thực sự hưởng chẳng bao nhiêu.
- Ăn trong trạng thái quá căng thẳng đến độ chẳng hề lưu ý đến món đang ăn vì vẫn còn mải mê với công việc ngay trong lúc đang… nhai. Do ảnh hưởng của tuyến thượng thận trong tình huống stress nên nước chua (dịch vị) trong dạ dày được bài tiết quá sớm trước bữa ăn gây ợ chua, rồi sau đó thêm lần nữa sau bữa ăn cả giờ khiến gia chủ cồn cào như chưa ăn. Tình trạng này tất nhiên càng trầm trọng nếu gia chủ đến giờ ăn lại bực bội, buồn rầu. Dạ dày nếu không viêm loét mới là chuyện lạ!
- Quên uống ly nước lớn trước bữa ăn khoảng 10 phút để tráng đều mặt trong dạ dày. Cũng có thể chọn chén canh, chén cháo làm món khai vị để vừa pha loãng dịch vị vừa giúp bao tử dễ xay nhuyễn thức ăn.
- Ăn một lần quá no khiến trái tim sau đó phải gồng mình bơm máu đến trục tiêu hóa nên đành bỏ rơi các nơi khác quan trọng hơn nhiều như não bộ, thành tim, đáy mắt… Với người ăn quá nhanh lại càng đáng lo hơn, vì khi có cảm giác no thì lượng thức ăn đã quá tải. Thói quen này tất nhiên càng nên tránh ở người đã bị thoái hóa võng mạc, thiếu máu cơ tim, cao huyết áp. Trái lại, đừng quên nguyên tắc "ăn ít no dai" bằng nhiều bữa nhỏ rải đều cho đến khi đi ngủ.
- Vừa ăn vừa "tám" nên không khí lọt vào thực quản. Hậu quả là no quá sớm khi chưa đủ lượng dưỡng chất lại thêm đầy bụng sau bữa ăn.
- Hay ăn món sống trong bữa cơm chiều để rồi suốt đêm khó ngủ vì đầy hơi do phản ứng lên men trong khung ruột. Trong trường hợp này nên nhớ chén trà dược thảo, chẳng hạn với atisô, gừng… là giải pháp đơn giản.
- Lượng thực phẩm gốc động vật quá cao trong khẩu phần thường ngày khiến mất quân bình kiềm toan do tăng chất có tính axít từ thịt mỡ. Hậu quả là trục trặc trong khâu thần kinh - biến dưỡng - nội tiết.
- Hay tráng miệng bằng món quá ngọt sau bữa ăn vốn đã nhiều tinh bột khiến đường huyết bội tăng và tụy tạng mau kiệt sức vì mỗi ngày nhiều lần phải gắng sức điều chỉnh lượng đường trong máu.
- Không cho cơ quan giữ nhiệm vụ giải độc như lá gan, khung ruột, quả thận có dịp nghỉ xả hơi dù chỉ cần nhịn ăn ít ngày trong tháng, hay đơn giản hơn, thỉnh thoảng ăn chay vài bữa.
Có khó lắm không để thay đổi vài thói quen khi ăn uống? Có đáng tiếc lắm không nếu chỉ vì ăn sao đó mà mang bệnh? Câu trả lời rõ như ban ngày.
Bình luận (0)