Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Trong đó, việc di chuyển bằng tàu, xe khách hay máy bay là môi trường dễ lây nhiễm virus.
Lo lắng khi về quê ăn Tết
Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là Tết Nguyên đán 2022, nên anh N.V.T, quê ở Thừa Thiên - Huế (28 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) đã đặt vé tàu về quê. Tuy nhiên, anh lo lắng khi hiện tại ở công ty phát hiện thêm 1 trường hợp mắc Covid-19.
"Cả năm vừa rồi chưa về quê thăm gia đình, nên đợt này tranh thủ những ngày nghỉ về quê thăm cha mẹ, đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo khi thỉnh thoảng xung quanh mình có người mắc bệnh" - anh T. nói.
Để phòng tránh bệnh, anh T. cho biết sẽ chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ, sẽ đeo 2 khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và nước sát khuẩn. "Các quy định về 5K tôi vẫn tuân thủ từ trước tới giờ, tuy nhiên, đi tàu xe cũng không thể tránh khỏi việc tiếp xúc gần. Về đến nhà tôi sẽ xịt khuẩn toàn bộ quần áo, giặt giũ, tắm rửa mới vô nhà tiếp xúc với cha mẹ" - anh T. cho hay.
Thực hiện nghiêm 5K trong suốt chuyến đi để phòng Covid-19 (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Còn với chị N.T.P, quê Gia Lai (26 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) sẽ phòng tránh bằng cách test nhanh Covid-19 trước khi về quê đón Tết.
"Nhà tôi chỉ có 2 chị em, mà em trai thì đi nghĩa vụ quân sự, nên tôi sẽ thu xếp về cho bố mẹ ở quê đỡ hiu quạnh ngày Tết. Không chỉ test nhanh trước khi về, tôi còn dự định sẽ xin nghỉ về quê sớm hơn dự định khoảng 1 tuần để tự cách ly nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình" - chị P. cho biết.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ - Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM - cho hay trước tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, bên cạnh đó, có sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Theo các dữ liệu cho thấy biến chủng này lây nhanh, dù bệnh có vẻ nhẹ hơn nhưng vẫn phải dè chừng.
Do đó, Tết năm nay nếu không thật sự cần thiết thì nên hạn chế đi lại bởi nếu ai cũng về quê ăn Tết như trước đây, người đi lại đông sẽ không an toàn, dễ xảy ra lây nhiễm. "Trong trường hợp phải về quê thì cần tiêm ngừa vắc-xin mũi bổ sung (mũi 3) và thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế trong suốt hành trình tàu xe, ở nơi công cộng. Nếu thực hiện đầy đủ những biện pháp vừa kể trên thì có thể tạm yên tâm với Covid-19, đặc biệt là với những đối tượng có nguy cơ cao" - bác sĩ Mỹ cho biết.
Chủ động phòng ngừa
Bác sĩ Lê Quang Mỹ lưu ý không chỉ hành khách mà ngay cả lái xe, phụ xe cũng cần phải đeo khẩu trang đúng cách, bảo đảm che kín mũi, miệng, ôm sát mặt, nhằm hạn chế tình trạng virus tiếp xúc với đường hô hấp.
Bên cạnh đó, với hành khách khi ngồi trên tàu, xe những bộ phận như nắm mở cửa, nút chỉnh, cửa sổ, thành ghế, hệ thống giải trí, điều hòa, ghế ngồi là những nơi có thể khiến lây nhiễm virus. Vì vậy, hành khách nên hạn chế chạm vào các bộ phận này và không đưa tay lên vùng mặt khi chưa khử khuẩn tay. Cần rửa tay ngay với nước và xà bông (nếu có điều kiện) hay bằng dung dịch sát khuẩn nếu đã tiếp xúc với các bộ phận nói trên.
Ngoài ra, các nhà xe cần lưu ý vệ sinh thường xuyên hệ thống điều hòa nhằm bảo đảm bầu không khí trong lành trên xe. Nên để nhiệt độ điều hòa trên 25 độ C, bởi theo nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 sẽ suy yếu ở nhiệt độ trên 25 độ C.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo là không nhất thiết khi đi tàu xe phải trùm kín đồ bảo hộ, bởi virus lây qua đường hô hấp. Việc mặc đồ bảo hộ sẽ khiến bức bối, nóng nực gây khó chịu chứ không ngăn ngừa được bệnh.
"Cho trẻ đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên là cần thiết. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, cần theo dõi trẻ trong quá trình di chuyển trên xe nếu trẻ ngủ. Bởi theo một số nghiên cứu, khi ngủ nếu trẻ đeo khẩu trang sẽ xảy ra tình trạng ngưng thở khi ngủ, gây đột tử. Nguy cơ này dù là hiếm nhưng cũng cần lưu ý, không được chủ quan" - bác sĩ Mỹ tư vấn.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, cho biết trước khi đi tàu xe nên tự test nhanh Covid-19 để tránh trở thành nguồn lây bệnh. Người lớn và trẻ em cần mang khẩu trang thực hiện nghiêm 5K trong suốt chuyến đi.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, hiện nay trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc-xin và người lớn tuổi có bệnh nền là 2 nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần được bảo vệ. Nên gia đình nào có 2 đối tượng này cần phải hết sức lưu tâm.
Với người lớn mắc bệnh nền tốt nhất cần đi khám sức khỏe, trang bị đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ trước khi về quê. Khi về đến quê, người mắc bệnh nền ngoài bảo đảm nguyên tắc 5K nên có chế độ ăn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh uống quá nhiều bia, rượu, thức khuya. Nếu có triệu chứng về bệnh lý phải đi khám bệnh ngay.
Bác sĩ Hùng cũng lưu ý cần khai báo y tế đầy đủ khi về quê. Bởi một số người vẫn có tâm lý chủ quan, không khai báo y tế hoặc khi về đến nhà đã tự test nhanh Covid-19 và có kết quả dương tính, tuy nhiên do bệnh nhẹ không có triệu chứng, lại sợ bị đi cách ly nên đã giấu bệnh.
"Điều này hết sức nguy hiểm bởi trong gia đình còn có người lớn tuổi, người có nguy cơ hoặc trẻ em, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống dịch địa phương và báo ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất. Rất có khả năng bản thân mình không rơi vào nguy hiểm nhưng người cao tuổi ở nhà sẽ bị lây nhiễm rồi chuyển nặng" - bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Nếu đã về đến nhà an toàn, tốt nhất vẫn phải nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người. Trong trường hợp cần thiết phải gặp mặt gia đình thì nên tự ý thức khống chế số lượng người họp mặt (không nên quá đông) và thực hiện test nhanh Covid-19 trước khi gặp gỡ mọi người nhằm bảo đảm tránh lây nhiễm.
Bình luận (0)