Theo The Guardian, kỹ thuật đột phá này được gọi là "điều trị hiến tặng ti thể" (MDT), sử dụng mô từ trứng của người hiến tặng nữ khỏe mạnh để tạo ra phôi IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không có các đột biến có hại mà mẹ chúng mang.
Phôi "gốc" vẫn được kết hợp bởi trứng và tinh trùng của cha mẹ ruột, nhưng một số cấu trúc nhỏ giống như cục pin gọi là ti thể được thay thế từ trứng của người hiến tặng khỏe mạnh.
Quy trình IVF - Ảnh: MEDICAL NEWS TODAY
Các đứa trẻ này mang một số lượng nhỏ vật chất di truyền - khoảng 37 gien - từ người hiến tặng, trong khi 99,8% DNA vẫn là từ cha mẹ ruột.
Một chút thay đổi nhỏ này giúp trẻ thoát khỏi các căn bệnh nan y di truyền có rủi ro thừa hưởng từ cha mẹ ruột nếu thụ tinh bình thường.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Sinh sản Newcastle cho biết phương pháp này nhằm can thiệp vào các trường hợp người mẹ ruột mang đột biến có hại trong ti thể, khiến mỗi đứa con thụ thai tự nhiên đều là một "canh bạc" đầy rủi ro.
Một số em bé có thể được sinh ra khỏe mạnh vì chỉ thừa hưởng một phần nhỏ ti thể bị đột biến, nhưng một số khác có thể đoản mệnh và phải chịu đựng các bệnh nghiêm trọng.
Khoảng 1/6.000 trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi tình trạng gọi là rối loạn ti thể này, vốn thường tấn công vào các mô đói năng lượng nhất như não, tim, cơ và gan. Dị tật cơ quan nào trong các cơ quan nói trên cũng là một thảm kịch đối với đứa trẻ.
Tiến trình MDT đã được Quốc hội Anh thay đổi luật để cho phép thực hiện từ năm 2015 và Trung tâm Sinh sản Newcastle là trung tâm duy nhất được cấp phép thực hiện, với những ca đầu tiên được phê duyệt nhằm mục đích nghiên cứu là vào năm 2018.
Trung tâm y tế này cho biết đợt trẻ sơ sinh "có ba cha mẹ" này đã ra đời vào tháng 4-2023, không nêu con số chính xác, chỉ nói là "dưới 5 trẻ". Việc không cung cấp thông tin chính xác nhằm tránh xác định danh tính những đứa trẻ may mắn được thừa hưởng tiến bộ y học này để ra đời một cách khỏe mạnh.
Bình luận (0)