Năm 1981, tốt nghiệp y khoa - Trường ĐH Y khoa Huế (nay là Trường ĐH Y Dược Huế) hạng giỏi, Bùi Đức Phú được trường giữ lại giảng dạy bộ môn ngoại, đồng thời điều trị bệnh tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế. Mới vào nghề, Phú đã thể hiện là bác sĩ giỏi, có nhiều triển vọng nên được nhà trường cử theo học nội trú ngoại khoa tại BV Việt Đức và Trường ĐH Y khoa Hà Nội (1981-1984).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và bác sĩ Bùi Đức Phú thăm hỏi,
tặng quà cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú sau ca ghép thận thành công
Năm 1995, bác sĩ Phú bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học tại Trường ĐH Y khoa Hà Nội; năm 1996-1997, sang Pháp học và bảo vệ xuất sắc luận văn chuyên khoa sâu về phẫu thuật tim tại ĐH Rennes và lấy bằng cử nhân về phẫu thuật nội soi tại ĐH Strasbourg.
Đạt nhiều thành công rực rỡ
Năm 1998, bác sĩ Bùi Đức Phú làm phó giám đốc BV Trung ương Huế kiêm trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực - Tim mạch BV này. Khi ấy, ông cùng các đồng nghiệp trăn trở rất nhiều về việc triển khai chuyên ngành ghép tạng tại BV Trung ương Huế.
Bác sĩ Bùi Đức Phú tặng quà cho người nhà bệnh nhân Hứa Cẩm Tú sau ca ghép thận thành công mới đây
Ảnh: XUÂN HỒNG
Ngày 31-7-2001, BV thực hiện ca ghép thận lấy từ người cho còn sống với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Sau 6 ca ghép thận thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên gia bên ngoài, BV đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật và quy trình ghép thận. Đến nay, đã thực hiện được 84 trường hợp ghép thận với tỉ lệ thành công 99%. Làm chủ kỹ thuật ghép thận, bác sĩ Phú tiếp tục xây dựng chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực - tim mạch tại BV Trung ương Huế trở thành trung tâm tim mạch hiện đại đẳng cấp quốc tế, đến nay đã phẫu thuật 9.000 trường hợp, trong đó có 5.000 trường hợp trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.
Trước đó, năm 1996, khi còn làm việc tại một trung tâm tim mạch ở Pháp với chức danh trưởng khoa lâm sàng dành cho người nước ngoài, bác sĩ Phú hoàn thành công trình nghiên cứu về tuần hoàn ngoài cơ thể.
Khi trở về nước, mặc dù điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng với sự quyết tâm chinh phục khoa học để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ Phú đã làm chủ ca mổ được ghi nhận là một mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của BV Trung ương Huế. Đó là ngày 27-4-1999, lần đầu tiên tại khu vực miền Trung, ca mổ bắc cầu động mạch vành không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện cho một bệnh nhân nam 14 tuổi để vá lỗ thông liên nhĩ.
Càng khó khăn càng bộc lộ sự thông minh, sáng tạo của người bác sĩ tài hoa. Do không có máy trao đổi nhiệt nên bác sĩ Phú phải sử dụng 2 xô nước lạnh và nước nóng. Sự linh hoạt và tận tâm của ê kíp mổ đã giúp cả 2 ca đầu tiên diễn ra thành công tốt đẹp. Từ đó đến nay, bác sĩ Bùi Đức Phú và các cộng sự thường xuyên mổ các loại bệnh tim bẩm sinh.
Ngày 2-3-2011 cũng là một ngày khó quên của ngành y tế Việt Nam. BV Trung ương Huế đã trở thành BV đầu tiên trong cả nước thực hiện ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não do chính đội ngũ cán bộ của BV thực hiện. Qua sự kiện này, Việt Nam tự hào ghi tên mình trên bản đồ ghép tim của thế giới. Để có được kết quả mỹ mãn này là một quá trình đầy cảm động.
Bệnh nhân Trần Mậu Đ., 26 tuổi, ngụ phường Phú Hội, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, với chẩn đoán bệnh cơ tim dãn; suy tim độ 4; phân suất tống máu thất trái tâm thu EF#17%. Bệnh nặng như vậy, nếu không thay tim thì cuộc đời của Đ. chỉ còn 90 ngày.
Quả tim được lấy từ một nơi khác và chuyển đến phòng mổ ghép trong vòng 30 phút, thời gian thiếu máu lạnh ngắn, dưới 1 giờ. Bệnh nhân được phẫu thuật theo kỹ thuật ghép tim đồng vị trí với 2 miệng nối tĩnh mạch chủ. Đây là một kỹ thuật phức tạp, được các thầy thuốc ví như một trận chiến, dù không có đối thủ nhưng phải chiến thắng.
Cả 2 bàn mổ của người cho và người nhận tim cùng được tiến hành ở 2 dãy nhà cách nhau khoảng 100 m. Bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, Chủ tịch Hội đồng Ghép tạng, là tổng chỉ huy. “Khi ấy, tôi rất bình tĩnh nhưng vẫn lo. Dù đã dùng thuốc trợ tim liều cao nhất để giữ được chất lượng của quả tim người cho nhưng huyết áp bệnh nhân chỉ còn 50 mmHg. Nếu thời gian kéo dài, huyết áp xấu hơn thì sẽ ảnh hưởng chất lượng quả tim. Tôi đã phải gọi điện thoại chỉ đạo liên tục” - bác sĩ Phú nhớ lại...
Sau 5 giờ, ca mổ kết thúc lúc 3 giờ sáng 2-3-2011. Trưa cùng ngày, tại tiền sảnh của BV Trung ương Huế có 1 lẵng hoa tươi thắm. Bó hoa do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tặng, chúc mừng thành công của các bác sĩ BV này. Và sau 2 năm ghép tim, bệnh nhân Đ. nay đã sinh hoạt bình thường.
Tài, đức, bản lĩnh, vượt khó
Sau ca ghép tim đó, BV Trung ương Huế tiếp tục có thêm thành tích vang dội là ghép thận cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (ngụ TP Cần Thơ).
Chưa bao giờ bác sĩ Phú và Hội đồng Ghép tạng gặp phải bệnh nhân ghép thận cùng lúc mang trên mình nhiều bệnh nguy hiểm như chị Tú. Một ngày cuối tháng 6-2012, bác sĩ Phú thất thần khi nhận được tin bệnh nhân Tú đột ngột lên cơn phù phổi cấp, đe dọa tử vong. Ông nghĩ đến tình huống xấu nhất và quyết định triệu tập khẩn cấp Hội đồng Ghép tạng cùng các chuyên khoa liên quan hội chẩn, thống nhất phương án điều trị theo tinh thần “còn nước, còn tát”!
Sau một tuần vận dụng, thực hiện nhiều phương pháp điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe bệnh nhân Tú dần ổn định. Hội đồng Ghép tạng quyết định ghép thận cấp cứu. Sau ghép là thêm 9 lần phẫu thuật nữa! Cuối cùng, chị Tú đã được cứu như mong đợi. Khi vào thăm BV Trung ương Huế sau ca ghép thận này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Tôi chọn giao BV Trung ương Huế ghép thận cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú là vì BV này có một tập thể làm việc đoàn kết, khoa học, có nhiều kinh nghiệm ghép thận. Ca ghép thận cho chị Tú thể hiện tài, đức, bản lĩnh, vượt khó của CBCNV BV”.
Bệnh viện đặc biệt, bác sĩ tài ba
Sau 15 năm kể từ khi được xếp hạng BV hạng nhất, BV Trung ương Huế đã được công nhận BV hạng đặc biệt, một vị trí cao nhất trong thang bậc chất lượng BV, đồng thời vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Ngoài rất nhiều giải thưởng, mới đây, Thầy thuốc Nhân dân - GS - TS- bác sĩ Bùi Đức Phú đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động. |
Bình luận (0)