Bệnh nhân nghẹn lòng với quà của bác sĩ
Năm nào cũng vậy, cứ giáp Tết là vợ chồng anh Lưu Đức Hải ở huyện Yên Thế, Bắc Giang lại đưa hai cậu con trai lặn lội cả trăm cây số đến bệnh viện (BV) Bạch Mai chờ gặp bằng được bác sĩ (BS) Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện tim quốc gia. Quà mà gia đình anh Hải biếu BS ăn Tết chỉ là mấy cân gạo nếp, cân đỗ xanh và chai mật ong - những thứ mà gia đình anh “tự trồng được”. Thế nhưng cứ mỗi lần như thế cả người nhận quà và tặng đều vui.
Theo anh Hải, những món quà này có thể BS không thiếu nhưng đây là cả tấm lòng biết ơn cứu mạng con trai anh, cháu Lưu Đức Thống, đối với BS Hùng 6 năm về trước. “Nếu con tôi không gặp được BS Hùng chắc chắn cháu đã không còn được sống trên cuộc đời cho đến ngày hôm nay. Số tiền bác sĩ cho cháu lúc cháu xuất viện, vợ chồng tôi vẫn để trên bàn thờ, không bao giờ tiêu đến nó để nhắc nhở cháu phải sống có trách nhiệm” - anh Hải xúc động nói.
Nhắc lại câu chuyện này, BS Hùng chia sẻ 6 năm trước khi vừa trở về phòng sau một ca mổ, anh gặp một người đàn ông đang chờ mình trước cửa phòng để đưa chiếc phong bì cảm ơn vì người con trai 8 tuổi của anh đã “tai qua nạn khỏi”.
“Cầm chiếc phong bì trong tay, tôi cảm nhận được hơi nóng của mồ hôi đã thấm ướt chiếc phong bì nhàu nhĩ, có lẽ ông bố ấy đã đợi tôi rất lâu. Trong phong bì là xấp tiền 50.000 đồng, có những tờ nhàu được vuốt phẳng phiu. Gấp chiếc phong bì lại tôi đặt lại trong tay của người bố. Khi đó tôi móc cả túi quần chỉ còn lại 300.000 đồng và đưa luôn cho bố cháu và nói “gửi để bồi dưỡng cho cháu khỏe mạnh rồi còn đi học”. Lúc ấy người bố bật khóc như một đứa trẻ. Mắt tôi cũng cay xè” - BS Hùng nhớ lại.
Sau này, khi BS Hùng chuyển nơi công tác từ BV Việt Đức (Hà Nội) về BV Bạch Mai, gia đình bệnh nhân cũ đã tìm bằng được để thi thoảng cả nhà lại xuống chơi, thăm hỏi mỗi dịp hè. “Gần đây, ông nội cháu Thống cũng lên cùng, nắm tay tôi nói rằng: “Từ ngày bác sĩ cứu cháu tôi, hôm nay tôi mới được gặp để cảm ơn”, lúc ấy tôi chỉ nói rằng “bác không phải cảm ơn, đây là trách nhiệm của người thầy thuốc, tôi coi cháu như con mình”. Từ ngày có con, tôi rất hay mủi lòng trước những bệnh nhân nhỏ tuổi”- BS Hùng chia sẻ.
Quà cám ơn là gạo nếp, trứng gà
BS Hùng cho biết quà cảm ơn anh nhận được nhiều, có khi một tháng anh nhận được 5 - 10 triệu đồng được người nhà bệnh nhân gửi lại Khoa nhờ chuyển. Số tiền này anh không nhận mà xung luôn và quỹ của Khoa để dùng làm thẻ cho bệnh nhân đến vào viện điều trị ở đây. “Mỗi chiếc thẻ cũng mất 3.500 đồng, lần sau bệnh nhân đến khám chỉ cần trình thẻ là đã có sẵn mã bệnh, hồ sơ bệnh án được lưu. Hay đôi khi tôi cũng hướng chuyện cảm ơn của mọi người để cộng đồng cùng được hưởng. Đó là thay vì cảm ơn tôi, tôi đề nghị mua tặng khoa chiếc màn hình ở hàng lang, nơi ngồi chờ của người nhà bệnh nhân để chúng tôi có thể cung cấp công khai các thông tin về lịch mổ, thời gian mổ cũng như các kiến thức về bệnh lý” - BS Hùng nói.
Với PGS-TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, những món quà ông nhận được mà bản thân ông không thể nhớ là ai nhiều vô kể. Có khi về phòng đã thấy gạo nếp, trứng gà để đầy phòng. “Người ta có nhớ đến mình thật sự mới cất công mang những sản vật ở quê gửi gắm cho mình. Tôi rất trân trọng những món quà ấy. Thế nhưng với tôi sự khỏe mạnh của người bệnh sau những ca mổ mới là lớn nhất. Gặp lại bệnh nhân của mình, chỉ cần họ thông báo vẫn khỏe mạnh là tôi vui lắm” - BS Lương tâm sự.
Theo BS Lương, lâu nay, khi nói đến đội ngũ nhân viên y tế, người dân đều có suy nghĩ gần như mặc định cứ đến bệnh viện là phải có “phong bì” lót tay cho y, bác sĩ. Bởi theo họ, khi có “phong bì” thì người bệnh sẽ được chăm sóc, đối xử tốt hơn và ngược lại, nếu người nhà bệnh nhân không “biết điều” thì chỉ được thăm khám qua loa, thậm chí bị nhân viên y tế cố tình gây khó khăn, đau đớn. “Đâu có phải nếu bệnh nhân giàu có thì BS mổ hết còn người kia không có tiền thì chỉ mổ một nửa. Khi bệnh nhân đã nằm trên bàn mổ thì ai cũng như ai, không phân biệt giàu nghèo, người nông dân hay quan chức” - PGS Lương trải lòng.
Đừng để chuyện cảm ơn là đổi chác!
Nhiều người đặt vấn đề “bồi dưỡng” cho các y bác sĩ vì nghĩ rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” ngay trước cuộc mổ. BS Hùng kể: “Có những người cầm chiếc phong bì trên tay đến gặp bác sĩ nói rằng: “Bác ơi bác cứ cầm lấy cho em yên tâm”, nhưng nếu người thân của bệnh nhân lại đẩy áp lực tâm lý cho người sắp mổ cho người thân của họ thì có nên hay không?”.
“Tuy nhiên, có những món quà nếu mình không nhận là phụ tình người ta. Nếu người ta cất công đi hàng trăm cây số để mang cho mình chục trứng, chục cân gạo, vài cân nhãn… Mình từ chối là chính mình đã tước đi cơ hội làm cho người ta vui ” - BS Hùng chia sẻ.
Còn PGS Lương cho biết đôi khi từ chối quà của bệnh nhân rất khó, nhất là khi người ta nằng nặc phải đưa bằng được phong bì cho BS để nhận lấy sự yên tâm mỗi khi vào BV hoặc trước khi lên bàn mổ. “Nhiều người canh cánh vì chưa tặng quà nhưng người thầy thuốc không phải vì thế mà mổ cho bệnh nhân lại chừa lại một chỗ. Đừng bao giờ để chuyện cám ơn là đổi chác”- PGS Lương giãi bày.
Theo nhiều BS, có những món quà khi nhận được từ người bệnh họ trân trọng mãi mãi, thậm chí khi nhớ đến hoặc nhìn ngắm món quà ấy còn là động lực để những người thầy thuốc cố gắng, hết lòng vì người bệnh. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) chia sẻ: “Có những người thân bệnh nhân tôi gặp lại sau nhiều chục năm, họ mang đến cho tôi một món quà và nói rằng ngày xưa BS đã điều trị cho con gái tôi, giờ cháu đã lập gia đình và đã có con. Nhiều khi những món quà mà mình không ngờ tới nó lại gây cho mình những ấn tượng và cảm xúc rất mạnh. Tôi thực sự trân trọng những tình cảm ấy. Cũng có những bố mẹ thấy các y bác sĩ làm việc vất vả quá liền chạy ra ngoài mua vài bịch sữa hay vài vỉ sữa chua ngại ngùng mang vào biếu BS để các bác ăn rồi lấy sức làm việc. Có thể giá trị của món quà không lớn nhưng tinh thần của món quà thì không gì đánh đổi được”.
Không ít nhân viên y tế cũng trăn trở trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có những người quan niệm rằng thôi thì người nhà mổ xong gửi BS gửi kíp mổ cái phong bì cho hết nợ. “Cảm ơn là một hành động đẹp, văn hóa cảm ơn mà người ta muốn duy trì đó là tình cảm chứ không phải đưa cho nhau cái phong bì là hết nợ. Trên thực tế, BS điều trị cho bệnh nhân không phải là để nhận cảm ơn. Tôi có cảm nhận người ta đang bôi đen chuyện nhận phong bì. Nếu như để lấy được cái phong bì 100.000 đồng mà để làm đau bệnh nhân thì vô cùng đáng lên án. Nhiều khi con mình bị con muỗi đậu lên má, mình không dám vỗ mà phải đuổi nó bay đi rồi mới đập, nếu nhân viên y tế “dùi” cho con mình đau để lấy cái phong bì thì ai không phẫn nộ” - một bác sĩ bày tỏ.
Bình luận (0)