BS CK2 Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) chia sẻ thông tin trên tại Hội nghị khoa học kỹ thuật của Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2022 vào ngày 25-11.
BS CK2 Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) báo cáo tại hội nghị
Theo bác sĩ Huyền, từ năm 2001-2004, tỉ lệ phát hiện bệnh đái tháo đường thai kỳ chiếm khoảng 3-4% thai phụ tại Việt Nam. Đến năm 2017, tăng lên 20% trên tổng số thai phụ được khám tại các bệnh viện/cơ sở y tế chuyên khoa của cả nước. Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tỉ lệ đái tháo đường thai kỳ năm 2021 tại Việt Nam tăng lên 21,8%.
Yếu tố gây đái tháo đường thai kỳ gồm: Béo phì; tiền sử gia đình có người đái tháo đường; tiền sử sinh con to hơn 4kg; mang thai trên 35 tuổi; người mắc hội chứng buồng trứng đa nang...
Bác sĩ Huyền cho biết hậu quả của đái tháo đường thai kỳ khiến phụ nữ mang thai tăng huyết áp; sinh non, sẩy thai; thai lưu; dị tật thai nhi;… Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ. Bên cạnh đó, thai to khiến người mẹ khi sinh có thể bị băng huyết, sang chấn đường sinh dục, tăng tỉ lệ mổ lấy thai, trẻ nguy cơ suy hô hấp sau sinh…
"Một nghiên cứu từ 1946 - 1988 cho thấy, ở thời điểm thụ thai của người mẹ bị mắc bệnh đái tháo đường, nếu lượng glucose huyết tương không được kiểm soát tốt thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh sẽ rất cao từ 8 - 13%, gấp 2 - 4 lần nhóm không bị đái tháo đường. Cùng với đó, tỉ lệ tử vong sau sinh chiếm khoảng 20-30%. Ngoài ra, còn gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, rối loạn tâm thần - vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi tuổi từ 19 đến 27" – bác sĩ Huyền nhấn mạnh.
Bác sĩ Huyền lưu ý, sau khi kết thúc thai kỳ, cần tầm soát để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời. Quan trọng hơn, nếu chỉ ở giai đoạn rối dung nạp đường (tiền đái tháo đường) thì chỉ cần thay đổi chế độ ăn, tập luyện thể dục sẽ giúp nguy cơ đái tháo đường giảm xuống từ 50-80%.
Bình luận (0)