Theo quan niệm của dân gian, ngày 22-6 (tức ngày 5-5 Âm lịch) là Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày "Tết giết sâu bọ".
Hình ảnh một số người dân tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình ngửa mắt lên nhìn mặt trời vào đúng 12 giờ trưa Tết Đoan Ngọ đang lan truyền trên mạng xã hội
Tại nhiều địa phương ở Quảng Bình, nhiều người cho rằng đây là ngày khí dương mạnh nhất trong năm và là ngày để thực hiện nhiều tập tục văn hóa nhằm tạ ơn tổ tiên, cầu cho mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật, ma quỷ quấy phá…
Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ, cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro, thịt vịt... để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật.
Đáng chú ý, vào đúng giờ Ngọ (tức 12 giờ trưa) ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người dân Quảng Bình dùng nước quả chanh nhỏ vào mắt, rồi ra sân nhìn lên mặt trời bằng mắt trần và nháy mắt bảy lần (đối với nam), nháy mắt chín lần (đối với nữ). Khi nháy mắt thì họ vừa nói "ông Trời có thuốc có men, cho con xin một hạt cho lành con mắt".
Bác sĩ Trần Ánh Dương - Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới
Bác sĩ Trần Ánh Dương, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, cho hay đây là cách làm dân gian của người dân, chẳng có bất kỳ một lợi ích nào, trái lại việc làm này phản khoa học và có thể khiến các trường hợp có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.
Thứ nhất nước quả chanh chứa nhiều thành phần gồm Vitamin B, C, một số khoáng chất và đặc biệt có acide citric. Loại acide này có nồng độ cao dẫn đến bỏng mắt, nhất là trên những mắt có tổn thương từ trước nó sẽ làm tổn thương đó trầm trọng thêm.
Thứ hai mắt nhìn thẳng mặt trời sẽ bị tia cực tím (UV) và tia hồng ngoại gây tổn thương từ kết mạc, giác mạc (tròng đen), thủy tinh thể. Đặc biệt là tổn thương đáy mắt (chủ yếu là điểm vàng). Thời gian nhìn trên 30 giây có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.
Theo bác sĩ Dương, dễ hình dung hơn, trong thực tế để tạo ra lửa, người ta dùng kính lúp (thấu kính lồi) đặt dưới ánh nắng mặt trời, sau đó dùng giấy, bông, kể cả gỗ để vào vị trí hội tụ ánh sáng ở phía dưới. Một lúc sau, các vật đó bốc cháy.
Con mắt cũng như vậy, nó là phức hợp của chuỗi thấu kính lồi để hội tụ ánh sáng lên đáy mắt giúp ta nhìn rõ các vật thể.
Khi nhìn vào mặt trời, ánh sáng trực tiếp của mặt trời sẽ hội tụ lên hoàng điểm gây bỏng các tế bào nón và tế bào que (hai tế bào cảm thụ ánh sáng). Có thể ngay lúc đó người nhìn vào mặt trời chưa thấy cảm giác mờ nhưng về sau, ngoài bỏng nhiệt nó còn biến đổi sinh học của các tế bào làm cho nó mất hoàn toàn chức năng dẫn đến mù.
Bình luận (0)