Việc phát hiện ổ dịch bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam với 13 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và 1 ca tử vong được xác định nhiễm virus bạch hầu đang khiến người dân ở các địa phương khác lo ngại về căn bệnh dễ lây lan này, đặc biệt là các thành phố lớn.
Khẩn trương tiêm vắc-xin tại ổ dịch
Sau sự xuất hiện ổ dịch bạch hầu làm 6 người chết tại thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, ngày 16-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công điện yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Nam giám sát chặt tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm những ca tiếp xúc và những đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm trường hợp mắc mới. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện ngay việc tiêm vắc-xin chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch. Nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh chỉ xuất hiện một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Đừng quá lo lắng!
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, bạch hầu là căn bệnh lây lan qua đường hô hấp với biểu hiện ban đầu là sốt, ho, khàn tiếng, sau đó nổi các mảng trắng ở vùng hầu - họng, nếu nhìn bên ngoài có thể thấy sưng hạch ở cổ. Tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa khi các mảng trắng lan rộng, làm tắc đường thở; ngoài ra, nội độc tố bạch hầu cũng sẽ bị phóng thích gây viêm cơ tim, dẫn đến suy hô hấp, sốc tim và tử vong. Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng thường gặp hơn ở trẻ em 3-4 tuổi trở lên. Ở người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ hội bệnh tự khỏi có thể lên tới 60%-70%, trong khi ở trẻ em thì bệnh thường nặng và khó tự khỏi hơn. Nếu đã dẫn đến biến chứng nặng như tắc đường thở hay viêm cơ tim thì rất khó cứu.
Tuy nhiên, BS Khanh cũng cho rằng đừng nên quá lo lắng bởi căn bệnh này tại Việt Nam đã được khống chế tốt hơn 10 năm nay nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng (bạch hầu nằm trong nhóm các bệnh nguy hiểm được dự phòng bởi vắc- xin 3 trong 1 ngày xưa, còn hiện nay là các vắc-xin 5 trong 1 hay 6 trong 1). Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, khoảng 2-3 năm mới có rải rác 1-2 ca bệnh này nhập viện.
Mắc bệnh một lần vẫn mắc lại
Các bệnh được dự phòng bởi vắc-xin 6 trong 1 hay 5 trong 1 được khuyến cáo chích cho trẻ nhỏ, bao gồm 6 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não do Hib, viêm gan B, sốt bại liệt (với loại 5 trong 1 sẽ có 1 trong 2 vắc-xin ngừa viêm gan B hoặc sốt bại liệt tùy chủng loại). Nếu chích đúng và đủ vắc-xin này, phụ huynh có thể yên tâm trẻ sẽ có miễn dịch suốt đời với bạch hầu. Đối với người lớn, nếu ngày xưa đã chích đủ mũi 3 trong 1 (bao gồm vắc-xin bạch hầu) thì cũng được miễn dịch suốt đời. “Tuy nhiên, nên lưu ý bệnh nhân chỉ có thể miễn dịch suốt đời nếu đã tiêm ngừa, còn bệnh này đã mắc một lần vẫn có thể mắc lại, không tự tạo miễn dịch” - BS Khanh cho biết.
Trước ổ dịch bạch hầu tại Quảng Nam, nhiều chuyên gia y tế cũng đưa ra cảnh báo về hệ quả do không tiêm chủng đầy đủ. Vài năm qua, một số sự cố khiến nhiều người dân nghi ngại việc tiêm vắc-xin cho con, kể cả các vắc-xin quan trọng đã được tiêm cho nhiều thế hệ trẻ nhỏ trong hàng chục năm qua. Đây có thể là một trong những lý do khiến một số “bệnh cũ” bất ngờ quay lại trong thời gian gần đây như sởi, ho gà và bây giờ là bạch hầu. Đây đều là những căn bệnh rất nguy hiểm nên hàng chục năm trước đã được đưa vào chương trình tiêm chủng.
Bình luận (0)