Phát hiện triệu chứng sốt, ho nên ông Vũ Tiến Hưng (52 tuổi, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã tự test nhanh Covid-19 tại nhà. Sau khi có kết quả dương tính, ông đã lên mạng tìm số điện thoại trạm y tế phường.
"Khi gọi thông báo tình trạng của mình, tôi đề nghị được cấp túi thuốc C. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cho biết gói thuốc C tại trạm đã hết. Còn gói thuốc A (hạ sốt, vitamin C) nếu gia đình tôi có thì họ không đến phát nữa. Sau đó, họ cho tôi số điện thoại của bác sĩ tư vấn và không xuống nhà hỗ trợ thăm khám gì thêm. Tôi gọi số điện thoại tư vấn nhưng không ai nghe máy" - ông Hưng kể.
Gia đình ông Hưng có 3 người sinh sống là vợ chồng ông và người mẹ hơn 80 tuổi. Do đó, việc tự test nhanh phát hiện mắc Covid-19 khiến ông và gia đình cảm thấy lúng túng. Để chắc chắn hơn, ông gọi nhân viên y tế của phòng khám đến nhà lấy mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR.
"Tôi đủ điều kiện cách ly tại nhà. Do có người lớn tuổi, bản thân lo lắng cách phòng ngừa khi sống chung nhà nhưng không nhận được tư vấn cụ thể nào từ nhân viên y tế" - ông Hưng nói.
Trong thời gian chờ kết quả RT-PCR, ông Hưng đã tự tìm tòi những kinh nghiệm các F0 cách ly tại nhà đã khỏi bệnh để làm theo.
Nhân viên y tế tại phường 22, quận Bình Thạnh test nhanh Covid-19 cho người có triệu chứng.
Theo bác sĩ Ngô Thị Minh Thu - Trưởng Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh - trạm đã hết gói thuốc C - Molnupiravir nên không thể phát cho F0. "Bây giờ thuốc khan hiếm nên mỗi lần lên Trung tâm Y tế quận lãnh chỉ được 10 gói, về phát hết thì lãnh tiếp. Thuốc này chỉ ưu tiên trường hợp cần thiết vì không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh " - bác sĩ Thu giải thích.
Bác sĩ Thu cho biết trong thời gian chưa có gói thuốc C, trạm được hỗ trợ thêm sản phẩm đông y hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho F0 tại nhà. Mỗi F0 được phát 3 hộp để sử dụng nhằm tăng sức đề kháng, giúp mau hồi phục.
Theo bác sĩ Thu, trạm đang quản lý, theo dõi hơn 500 F0 tại nhà. Tuy nhiên, trạm chỉ có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng nên không thể nào quản lý xuể. "Bây giờ vừa tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh, người dân, tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, thăm khám F0, truy vết... Nguồn lực thì không thay đổi, công việc nhiều hơn nên không có thời gian" - bác sĩ Thu băn khoăn.
Nhân viên trạm y tế nhận điện thoại liên tục trong ngày vì lượng F0 gọi đến nhiều
Bác sĩ Thu cho hay phường 22 có hơn 50.000 dân, trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng 30 F0. Trước đây, phường có 5 trạm y tế lưu động phân chia phụ trách theo khu phố, rất hiệu quả, không chồng chéo. Khi đó, F0 cách ly tại nhà được điện thoại thăm hỏi mỗi ngày, thăm khám trực tiếp, xử trí mọi việc rất nhanh. Nhờ vậy, y tế cơ sở bớt đi gánh nặng.
Hện phường 22 chỉ có 1 trạm y tế lưu động nhưng vẫn là bác sĩ của trạm y tế phường đảm nhận. Trạm lưu động dù có 4 nhân sự nhưng 2 người là của trạm y tế cố định rồi, cộng thêm 2 tình nguyện viên. Công việc tăng hơn, người thì ít đi vì các lực lượng hỗ trợ đã rút về.
Lúc này, trạm lưu động cũng chính là trạm y tế phường. Người dân đổ dồn về một nơi nên không thể không quá tải. Theo bác sĩ Thu, với số lượng F0 tại nhà ngày càng tăng, nhân sự y tế không thể đáp ứng, do đó không có thời gian gọi điện thoại thăm hỏi hay xuống trực tiếp thăm khám dù rất muốn chăm sóc bà con chu đáo.
"Hiện hầu hết F0 đều đã tiêm 2 mũi vắc-xin nên trạm sẽ hướng dẫn qua điện thoại. Trường hợp nào bị tức ngực, khó thở hay bất thường, 2 tổ phản ứng nhanh của phường sẽ đưa bình oxy xuống khẩn cấp. Dù có giăng dây, dán bảng cách ly nhưng vẫn có người ra ngoài đi lại tự do. Vì vậy, cần nâng cao ý thức để tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng" - bác sĩ Thu nhấn mạnh.
Nhiều F0 tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP HCM cũng không có thuốc C để sử dụng. Gia đình ông N.T.B (45 tuổi) sau khi phát hiện dương tính gần 1 ngày mới được trạm y tế lưu động đến thăm khám và kiểm tra.
"Gia đình tôi có 2 F0 là vợ và con gái hơn 1 tuổi. Vợ tôi có triệu chứng sổ mũi, đau đầu nên gia đình đăng ký sử dụng thuốc C - Molnupiravir. Tuy nhiên, nhân viên y tế cho biết thuốc C của phường đã hết từ ngày 24-11. Theo người này, số F0 tại phường nhiều nên trạm y tế lưu động phải đến rất nhiều nhà, do đó xảy ra tình trạng chậm trễ và mong gia đình thông cảm" - ông B. kể.
Sở Y tế TP HCM đã ban hành hướng dẫn tạm thời quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng để các địa phương chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, nếu tại địa bàn phường - xã phát hiện trên 10 hộ có F0 thì phải kích hoạt 1 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; nếu trên 50-100 hộ có F0 thì kích hoạt thêm trạm y tế lưu động.
Như vậy, về lý thuyết, phường 22, quận Bình Thạnh cần có tối đa 5 trạm y tế lưu động.
Bình luận (0)