Hồng Anh (24 tuổi; Hòa Bình) hỏi: Tôi thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn với bạn trai (không dùng bao cao su) nhưng cách đây hơn 1 tuần tôi có phát hiện anh ấy bị HIV. Sau đó, anh ấy có trấn an tôi rằng anh đang điều trị thuốc kháng virus nên không thể lây bệnh cho tôi. Tôi rất lo lắng về sự cố này, liệu tôi có bị nhiễm bệnh hay không?
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trả lời: Với một người chắc chắn đã nhiễm HIV thì khả năng lây cho đối tác khi quan hệ tình dục không an toàn sẽ tùy vào cường độ, thời gian quan hệ, mức độ trầy xước do quan hệ, tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục và số lượng virus trong tinh dịch. Nếu bạn tình bị nhiễm HIV không được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) thì tần suất lây nhiễm là 0,03 đến 0,1%. Còn nếu bạn tình đang điều trị ARV và kết quả xét nghiệm mà bạn ấy có tải lượng virus dưới 200 tế bào/ml thì khả năng lây nhiễm là không có hoặc rất thấp.
Một nghiên cứu được thực hiện với hàng ngàn cặp bị nhiễm (chỉ 1 trong 2 người có virus) HIV ở nhiều châu lục cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV khi bạn tình của họ có tải lượng HIV ức chế liên tục. Như vậy nếu dùng thuốc ức chế virus ARV hoàn toàn có thể yên tâm khi quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, để biết mình có bị lây nhiễm HIV từ bạn tình hay không cần phải tiến hành xét nghiệm và để có kết quả chính xác phải đợi sau 3 tháng. Nếu nghi ngờ bị lây, bạn nên liên hệ với các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phơi nhiễm HIV. Điều trị chống phơi nhiễm bắt buộc phải thực hiện ngay sau khi có các hành vi nguy cơ, trước thời điểm 72 giờ. Thời gian điều trị liên tục trong 28 ngày. Sau đó, người phơi nhiễm sẽ tái xét nghiệm HIV. Việc cần làm sau khi có kết quả dương tính với HIV là điều trị bằng thuốc kháng virus tại các cơ sở y tế. Trong giai đoạn chờ kết quả này, cả hai vẫn phải dùng các biện pháp bảo vệ để dự phòng.
Bình luận (0)