Các chuyên gia cho biết hiện nay tại Việt Nam, khoảng 12,2% dân số mắc bệnh bàng quang tăng hoạt (BQTH) bệnh có xu hướng gia tăng và tỉ lệ mắc tăng dần theo tuổi, nữ có xu hướng bị nhiều hơn nam.
Gây khó khăn trong sinh hoạt
Chị T.N (30 tuổi, quê miền Trung), suốt 2 tháng qua bị chứng buồn tiểu liên tục, cứ khoảng 30 phút là muốn đi một lần. Ban đêm chị cũng thường mất ngủ vì phải thức dậy đi tiểu, trung bình 2-3 lần/đêm, điều trị tại địa phương nhưng không hiệu quả.
Còn chị K.M (43 tuổi) bị tiểu gấp, tiểu đêm nhiều lần, có nhiều lúc bị són tiểu gấp, chút xíu là muốn đi, làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Việc không kiểm soát được cảm giác tiểu gấp gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, làm mất tập trung và mất ngủ nên chị luôn ở trong tình trạng căng thẳng.
Các triệu chứng đã xuất hiện vài tháng nhưng chị vẫn chưa đi khám vì nghĩ rằng đây là dấu hiệu của tuổi tác. Sau một thời gian chịu hết nổi, chị M. mới đi khám với kết quả chẩn đoán bị BQTH dẫn đến rối loạn đi tiểu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ân tư vấn cho một người bị bàng quang tăng hoạt
Nhiều người mắc bệnh này phải nghỉ học, nghỉ làm vì suốt ngày đi tiểu. Có người khủng hoảng tinh thần do chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn đi tiểu 40-50 lần/ngày. Bị bệnh này, bệnh nhân gần như không đi chơi, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè vì phiền toái do tình trạng rối loạn tiểu tiện.
Theo ThS - bác sĩ (BS) Huỳnh Đoàn Phương Mai, Phó trưởng Khoa Niệu nữ, Niệu Chức năng Bệnh viện Bình Dân TP HCM, không ít người mắc bệnh BQTH đã chịu đựng các triệu chứng một thời gian dài mới tìm đến BS. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh bị mất tập trung, cản trở sinh hoạt, gián đoạn giấc ngủ kéo dài và dẫn đến nhiều hệ lụy như trầm cảm, tự kỷ, giảm khả năng tình dục…
Cần điều chỉnh lối sống
Các BS chuyên khoa tiết niệu cho biết BQTH không phải bệnh lý gây tử vong nhưng người bệnh nên chủ động đến kiểm tra, điều trị sớm để gia tăng hiệu quả và giảm mức độ ảnh hưởng đến chất lượng sống. BS Huỳnh Đoàn Phương Mai cho biết một số thói quen sinh hoạt sai lầm có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của BQTH là tình trạng béo phì, thừa nước, lạm dụng cà phê, bia rượu, thuốc lá.
Tình trạng thừa cân (béo phì) làm tăng nguy cơ mắc bệnh BQTH ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt đối với số lần đi tiểu và tiểu đêm. Biện pháp giảm cân giúp cải thiện rõ các triệu chứng, đặc biệt là giảm rỉ nước tiểu.
Cà phê, trà là những thực phẩm phổ biến có chứa caffeine. Cà phê kích thích trực tiếp lên các thụ thể ở thành bàng quang, làm cho các triệu chứng tiểu gấp thêm nặng. Cà phê cũng là một chất lợi tiểu, làm tăng tần suất đi tiểu và tiểu gấp khi tiêu thụ quá mức.
Uống nhiều nước (tình trạng thừa nước) sẽ khiến đi tiểu nhiều hơn và triệu chứng tiểu gấp nặng hơn. Tuy nhiên, nếu uống nước quá ít cũng khiến các triệu chứng của bệnh BQTH tồi tệ hơn do nước tiểu quá cô đặc sẽ làm kích thích cơ bàng quang. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giảm 25% lượng chất lỏng hằng ngày sẽ làm giảm nguy cơ mắc chứng tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu đêm (miễn là tiêu thụ không ít hơn 1 lít mỗi ngày). Người mắc bệnh BQTH nên uống khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày và rải đều trong ngày, không uống quá nhiều nước một lần. Hạn chế uống nước sau 18 giờ hoặc trong vòng 3-4 giờ trước khi ngủ.
Rượu, bia cũng là chất lợi tiểu và có thể làm tăng nồng độ axít trong nước tiểu, gây kích thích bàng quang. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ BQTH ở những người hút thuốc cao hơn 2,5 lần so với những người không hút thuốc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh BQTH do xơ cứng động mạch (xơ vữa động mạch), một tình trạng ảnh hưởng đến bàng quang cũng như hệ thống tim mạch.
"Khắc phục những yếu tố nguy cơ vừa kể trên bằng cách giảm cân, sử dụng nước hợp lý, giảm hay bỏ cà phê, bia rượu, thuốc lá sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng BQTH. Có thể nói, việc kiểm soát thói quen và chế độ sinh hoạt đóng vai trò rất lớn trong việc điều trị bệnh" - BS Phương Mai khuyến cáo.
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân, Trưởng Khoa Niệu học Chức năng Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết bên cạnh việc điều chỉnh cách sinh hoạt và chế độ ăn uống cho phù hợp, người bệnh cần sử dụng đúng cách một số thuốc để kiểm soát triệu chứng theo chỉ định của BS. Trên thực tế, nhiều người tự động ngưng dùng thuốc sau 1-2 tuần vì cảm thấy chưa được cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, thời gian dùng thuốc cần kéo dài 2, 3 tháng mới có hiệu quả. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của BS và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
Bình luận (0)