xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo đảm an toàn cho trẻ đến trường

Ngọc Dung

Tiêm vắc-xin giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh

Chỉ còn 9 ngày nữa để hoàn thành việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên còn nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm chủng chỉ dưới 20%, khó hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nhiều địa phương tỉ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ dưới 30%

Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được Bộ Y tế phát động giữa tháng 4-2022. Thời gian qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tăng tốc tiêm vắc-xin cho trẻ để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong tháng 8.

Trước đó, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh lợi ích của việc tiêm vắc-xin để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới. Tại văn bản gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cũng đề nghị bộ này chỉ đạo sở GD-ĐT các địa phương phối hợp ngành y tế rà soát, lập danh sách trẻ mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ, trong đó đặc biệt quan tâm trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì...

Bảo đảm an toàn cho trẻ đến trường - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại điểm tiêm Trường THCS Lý Phong (quận 5, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai thành công, hoàn thành tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nhiều tỉnh, thành dưới 60% và nhiều tỉnh, thành tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi dưới 20%. Thống kê đến ngày 22-8 của Bộ Y tế cho thấy tốc độ tiêm vắc-xin còn chậm, nhất là với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi hiện nhiều tỉnh tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại rất thấp. Trong số này, tỉnh Phú Yên là 12,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 14,4%; Bình Dương 22,7%; Đồng Nai 23,5%; Bình Thuận 24,6%. Với nhóm trẻ 5 đến 12 tuổi, hiện 5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 2 thấp gồm: Quảng Nam 17,2%; Đà Nẵng 20,3%; Bình Dương 27,2%; Khánh Hòa 29,4%; TP HCM 30,8%.

Về lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi quá chậm, nhiều chuyên gia cho rằng do thời điểm nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm. Mặt khác, đã có hàng triệu trẻ các lứa tuổi mắc Covid-19 nhưng tình trạng bệnh hầu hết đều nhẹ khiến gia đình cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh. Một số phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng học tập và sinh hoạt của con nên không tích cực đưa trẻ đi tiêm.

Cảnh báo số ca mắc gia tăng khi trẻ đi học

Trước thực tế tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ còn thấp trong khi năm học mới sắp bắt đầu, "lá chắn" bảo vệ trẻ trước Covid-19 chưa đạt yêu cầu đề ra, các chuyên cảnh báo số trẻ mắc Covid-19 có thể tăng khi hàng chục triệu trẻ trên cả nước quay lại trường học.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cho biết quy định hiện hành của Việt Nam không bắt buộc đối với việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng hiện liên tục xuất hiện các biến thể phụ mới của Omicron khiến nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng thì đây có thể là nguồn lây trong cộng đồng. Trẻ vẫn bị mắc Covid-19, thậm chí có trường hợp bệnh chuyển nặng như đã ghi nhận trẻ mắc hội chứng hậu Covid-19 (MIS-C). Trẻ mắc Covid-19 còn là nguồn lây cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong gia đình như người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch. Những đối tượng này khi mắc Covid-19 sẽ chuyển nặng. "Covid-19 dễ lây lan trong môi trường kín hay ở đám đông. Khi trẻ mắc bệnh phải nghỉ học, thậm chí lây cho bạn. Việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép và tiêm an toàn, phụ huynh không nên lo lắng quá mà nên cho trẻ đi tiêm trước khi bước vào năm học mới" - PGS Phu khuyến cáo.

Từ thực tế điều trị bệnh nhân Covid-19, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết tại Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi, gây hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ. Theo các chuyên gia, đến nay vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, chống lại tình trạng bệnh chuyển nặng, chống quá tải hệ thống y tế, giảm tử vong. 

Nhiều nước khuyến nghị tiêm vắc-xin cho trẻ

Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên nước này, trẻ em sẽ được tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 nhỏ hơn so với thanh thiếu niên và người lớn, tùy nhóm tuổi sẽ được cung cấp liều lượng phù hợp. Trẻ 6 tháng đến 4 tuổi có thể được tiêm 3 mũi cơ bản bằng vắc-xin Pfizer-Biotech hoặc 2 mũi Moderna, tất cả đều là liều thấp nhất. Đối với trẻ 5-17 tuổi, loạt chính sẽ gồm 2 mũi Pifizer-Biotech hoặc Moderna. Mũi tăng cường được chỉ định riêng cho trẻ em và thanh thiếu niên bị suy giảm miễn dịch từ vừa đến nặng, với 1 mũi nếu trẻ từ 5-11 tuổi, 2 mũi nếu từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế và Chăm sóc người cao tuổi Úc (ATAGI) khuyến nghị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Trong đó, vắc-xin Pfizer có thể áp dụng cho trẻ 5 tuổi trở lên, Moderna được áp dụng cho trẻ 6 tuổi trở lên nhưng từ ngày 5-9 sẽ được dùng cho cả trẻ 5 tuổi. ATAGI cũng khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho trẻ 12-15 tuổi khi có các tình trạng sau: suy giảm miễn dịch nghiêm trọng; khuyết tật với các vấn đề sức khỏe đáng kể hoặc phức tạp; tình trạng sức khỏe mắc các bệnh nghiêm trọng, phức tạp hoặc nhiều tình trạng làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Trẻ mắc các tình trạng kể trên cũng nên được tiêm vắc-xin trong giai đoạn 6 tháng - 5 tuổi, còn trẻ 6 tháng - 5 tuổi khỏe mạnh thì không được khuyến nghị tiêm chủng.

Singapore cũng đã triển khai tiêm ngừa cho nhóm trẻ từ 5 tuổi trở lên và Bộ Y tế nước này đang đặt mục tiêu sẵn sàng cung ứng vắc-xin cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi vào quý IV/2022 - theo đài CNA. Cơ quan Khoa học Y tế và Ủy ban Chuyên gia về tiêm chủng Covid-19 thuộc Bộ Y tế Singapore cho biết đang thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin ngừa Covid-19 được bào chế riêng cho trẻ dưới 5 tuổi.

T.Anh

Nguy cơ mắc Covid-19 cao từ các biến thể mới

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định việc tiêm chủng vắc-xin cho trẻ là hết sức cần thiết. Bộ Y tế đã hướng dẫn với đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 là 5 tháng và người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh 3 tháng. Với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu đã mắc Covid-19, sau 3 tháng nên đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường điểm tiêm chủng lưu động tại vùng khó khăn, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỉ lệ thấp. Cùng với đó, ngành y tế phối hợp ngành giáo dục rà soát đối tượng học sinh, tổ chức tiêm vét cho các cháu để hoàn thành tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới. "Sự xuất hiện của các biến thể phụ mới khiến nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trở lại rất cao. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân tích cực tham gia tiêm vắc-xin"- bà Hương nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo